Hãng tin chính thức của Palestine WAFA cho biết tại cuộc điện đàm, Tổng thống Abbas nhấn mạnh kế hoạch trên của Israel vi phạm tất cả các nghị quyết quốc tế.
Về phần mình, Tổng thống Sommaruga cũng khẳng định Thụy Sĩ phản đối mọi hành động đơn phương hay bất kỳ sự thay đổi nào vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine ngồi vào bàn đối thoại. Bà Sommaruga cho biết Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc (LHQ) cho người tị nạn Palestine (UNRWA), chủ yếu là trong lĩnh vực y tế để giúp người dân tại đây chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong bức thư vừa gửi đến Bộ Tứ gìn giữ hòa bình quốc tế (gồm LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ), Chính quyền Palestine (PA) cùng khẳng định “sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp song phương với Israel vốn đã bị đình trệ từ năm 2014".
Bức thư dài 4 trang của Chính quyền Palestine nêu rõ: “Nếu Israel tuyên bố sáp nhập bất cứ bộ phận nào của lãnh thổ Palestine, điều đó nhất thiết sẽ dẫn đến sự chấm dứt của tất cả các thỏa thuận đã ký”.
Chính quyền Palestine cũng nhấn mạnh sẽ chấp nhận một lực lượng quốc tế được LHQ ủy nhiệm để giám sát sự tuân thủ bất cứ thỏa thuận hòa bình cuối cùng nào.
Trước đó, Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh cho biết Palestine đã trình nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông một bản đề xuất được cho là đối trọng với kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ nhưng không đề cập đến các cuộc đàm phán trực tiếp với Israel. Đề xuất của Palestine bao gồm việc thành lập một "Nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và phi quân sự" với "những thay đổi nhỏ về đường biên giới". Từ đề xuất này có thể tiến tới một số thỏa thuận hoán đổi đất đai giữa hai nhà nước trong tương lai trên cơ sở cả hai bên cùng đồng thuận.
Cũng liên quan đến kế hoạch của Israel thôn tính khu Bờ Tây, phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến với 40 nghị sĩ Anh, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye ngày 29/6 đã cáo buộc Israel có ý đồ giải tán Chính quyền Palestine. Ông Ishtaye nhấn mạnh Palestine sẽ không để Israel thực hiện ý đồ này "bởi Chính quyền Palestine là kết quả từ cuộc đấu tranh của người Palestine". Thủ tướng Ishtaye nêu rõ: “Kế hoạch sáp nhập của Israel đe dọa sự tồn tại của nhân dân Palestine và sự nghiệp chính nghĩa của Palestine, cũng như đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực".
Chính phủ Israel đang có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, đồng thời có kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ này. Kể hoạch này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của rất nhiều nước. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ chưa bắt đầu thực hiện sáp nhập một số khu vực tại Bờ Tây từ ngày 1/7 như ông đã thông báo trước đó.
Hiện có hơn 450.000 người Israel sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây và khoảng 200.000 người sống ở Đông Jerusalem. Có khoảng 2,8 triệu người Palestine cũng đang sinh sống ở Bờ Tây.
Trong một diễn biến liên quan, các lực lượng và phe phái quốc gia, Hồi giáo tại Dải Gaza ngày 28/6 đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch hành động quốc gia thống nhất nhằm chống lại "Thỏa thuận thế kỷ" của Mỹ.
Kế hoạch trên có nội dung khởi động cuộc kháng chiến toàn diện nhằm chống lại kế hoạch sáp nhập, kêu gọi người dân tham gia "Ngày nổi giận" - dự kiến được tổ chức vào ngày 1/7 tới, và một hoạt động quy mô lớn với sự tham gia của tất cả các phe phái ở Gaza.
Trong tuyên bố sau cuộc họp có tên gọi "Đoàn kết chống quyết định sáp nhập và thỏa thuận thế kỷ", các phe phái ở Gaza đã kêu gọi tổ chức cuộc họp khẩn nhằm thống nhất quyết tâm ngăn chặn hành động sáp nhập và triển khai một chiến dịch quốc gia về vấn đề này. Bên cạnh đó, tuyên bố cũng kêu gọi thành lập một ủy ban truyền thông đặc biệt để giám sát một chiến dịch truyền thông quy mô lớn, đồng thời thành lập một ủy ban pháp lý nhằm chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hành vi chiếm đóng của Israel.