Paris cạnh tranh quyết liệt với Frankfurt vị trí trung tâm tài chính châu Âu

Thủ đô Paris (Pháp) đang cạnh tranh với thành phố Frankfurt (Đức) nhằm thu hút các tổ chức tài chính và ngân hàng tới mở chi nhánh hoặc đặt văn phòng đại diện trong bối cảnh giới quan sát dự báo vị trí "trung tâm tài chính" của London (Anh) sẽ bị lung lay dưới tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 4/7, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố trong vài ngày tới ông sẽ công bố các biện pháp "cải thiện tính hấp dẫn của các thị trường Paris". Trong số các biện pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài có việc giảm thuế doanh nghiệp từ mức 33% hiện nay xuống còn 25% từ nay đến cuối nhiệm kỳ chính phủ và cải tổ luật lao động.

Trung tâm tài chính London gồm văn phòng của các ngân hàng HSBC, Citigroup, JPMorgan Chase, Barclays... Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cho biết Paris quyết tâm trở thành điểm đến cho các tổ chức tài chính và ngân hàng quyết định rời "trung tâm tài chính" London. Nhật báo Les Echos của Pháp dẫn tuyên bố của ông Le Maire đánh giá rằng thành phố Frankfurt đã có những bước đi sớm hơn nhưng ông tin rằng Paris vẫn có thể đuổi kịp.

Bộ trưởng Le Maire còn đề cập đến những giải pháp về thuế, nhất là thuế trên các khoản lương. Ngoài ra, phía Pháp cũng có thể tính đến các giải pháp khác như giảm đóng góp xã hội của các công ty, mở rộng chế độ đối với những lao động nước ngoài lâu năm khi sang Pháp, áp dụng tòa án và luật pháp tài chính theo kiểu Anh….

Theo nghiên cứu công bố mới đây của hãng kiểm toán Ernst & Young, ngành tài chính của Anh vẫn là địa chỉ đầu tư quốc tế hấp dẫn nhất châu Âu, song khoảng cách với các trung tâm tài chính khác trong khu vực đang dần thu hẹp, do lo ngại những tác động từ tiến trình Brexit. Cho đến nay, Frankfurt vẫn được đánh giá là vượt hơn Paris trong thu hút các ngân hàng và tổ chức tài chính.


Theo số liệu của Bloomberg, Frankfurt hiện dẫn trước Paris (1.000) và Dublin (150) về số nhân viên được điều chuyển từ London, trong khi các ngân hàng có ý định chuyển trụ sở khỏi London vẫn chưa xác nhận địa điểm làm việc mới cho khoảng 9.000 nhân viên của mình. Nhưng với các giải pháp cụ thể, Pháp đang thể hiện quyết tâm cạnh tranh với Đức trong nỗ lực đưa Paris thành trung tâm tài chính tại châu Âu thay thế London thời hậu Brexit.

TTXVN/Tin Tức
Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu châu Âu của Anh bị tác động
Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu châu Âu của Anh bị tác động

Theo nghiên cứu mới nhất của công ty kiểm toán Ernst & Young (EY), ngành tài chính của Anh vẫn là địa chỉ đầu tư quốc tế hấp dẫn nhất châu Âu, song khoảng cách với các trung tâm tài chính khác trong khu vực đang dần thu hẹp, do lo ngại những tác động từ tiến trình Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN