Tuần hành chống nhập cư của Pegidaở Antwerp, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 6/2, phong trào "Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hoá phương Tây" (Pegida) đã huy động đông đảo lực lượng chống Hồi giáo và chống nhập cư tại 13 thành phố ở châu Âu tham gia vào các cuộc tuần hành phản đối người nhập cư và Hồi giáo.
Pegida coi 6/2 là ngày thể hiện cái gọi là "phong trào quốc tế chống nhập cư hàng loạt và Hồi giáo hóa". Các cuộc tuần hành, tập hợp lực lượng sẽ diễn ra tại 13 thành phố gồm Dresden (Đức), Amsterdam (Hà Lan), Praha (CH Séc), Tartu (Estonia), Dublin (Ailen), Birmingham (Anh), Bratislava (Slovakia), Wroclaw và Krakow (Ba Lan)..., trong đó cuộc tuần hành chính diễn ra tại thành phố Dresden, "thủ phủ" của Pegida với dự kiến 15.000 người tham gia.
Một cuộc tuần hành phản đối Pegida cũng diễn ra đồng thời tại Dresden cùng ngày với khoảng 10.000 người tham gia. Cảnh sát Đức đã huy động lực lượng 1.000 nhân viên tới Dresden nhằm ngăn không cho hai bên đụng độ nhau.
Một trong những nhân vật chủ chốt của Pegida, bà Tatjana Festerling tuyên bố Pegida và các phong trào ủng hộ Pegida sẽ xây dựng một "pháo đài ở châu Âu" để chống lại làn sóng Hồi giáo hóa. Các nhóm ủng hộ Pegida từ 14 nước thậm chí còn đã ký cái gọi là "Tuyên bố Praha".
Cuộc tuần hành ngày 6/2 của phong trào Pegida đặt trọng tâm vào các nước Đông Âu nhằm ủng hộ chính phủ nhiều nước khu vực này đã kiên quyết phản đối chính sách tiếp nhận người tị nạn không hạn chế và không mở cửa cho người nhập cư.
Tại Đức, những tháng gần đây số người thường xuyên tham gia vào các hoạt động bài ngoại và chống nhập cư của các phong trào cánh hữu đã tăng gấp 4 lần, từ 10.600 lên 35.900 người. Trong khi đó, số lượng các cuộc biểu tình và tuần hành của tổ chức này tính riêng trong quý IV/2015 cũng tăng hơn gấp đôi, từ 95 lên 208 cuộc.
Thủ hiến bang Sachsen của Đức, ông Stanislav Tillich thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), cho biết ông nhận thấy sự cần thiết của các hành động pháp lý cần thiết nhằm ngăn chặn sự lan rộng và nở rộ của phong trào chống nhập cư Pegida, đang có xu hướng vượt quá giới hạn và có những ngôn từ, hành động quá khích không chỉ nhằm vào người nước ngoài mà cả các chính trị gia cao cấp của Đức và châu Âu.