Trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng, loại thuốc có tên là Paxlovid này cho thấy có khả năng giảm 89% nguy cơ phải nhập viện hoặc bệnh diễn biến nặng ở bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành.
Theo Pfizer, công ty đã hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ xin Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc trên.
Thuốc viên dạng uống Paxlovid có thể là một vũ khí mới đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống đại dịch, vì có thể sử dụng như một phương pháp điều trị sớm tại nhà để ngăn ngừa nguy cơ bệnh nhân phải nhập viện và tử vong. Paxlovid cũng có thể trở thành một công cụ quan trọng ở những quốc gia và khu vực mà việc tiếp cận vaccine còn hạn chế hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện chưa rõ thời điểm giới chức y tế Mỹ sẽ ra quyết định về đơn xin cấp phép trên của Pfizer.
Trước đó, hai hãng dược phẩm Merck & Co và Ridgeback Biotherapeutics cũng đã hoàn tất thủ tục xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir vào ngày 11/10 vừa qua. Theo kế hoạch, một ủy ban cố vấn bên ngoài FDA sẽ nhóm họp vào ngày 30/11 để xem xét đưa ra khuyến nghị về việc này. Dự kiến, thuốc này sẽ được cấp phép trong năm nay.
Ngoài Mỹ, Pfizer cũng đã hoàn tất quy trình xin cấp phép sử dụng thuốc Paxlovid tại một số nước, trong đó có Anh, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Công ty này dự định tiếp tục xin cấp phép tại nhiều nước khác. Pfizer kỳ vọng đến cuối tháng tới công ty có thể sản xuất 180.000 liệu trình thuốc, và đến cuối năm 2022 sản xuất ít nhất 50 triệu liệu trình.
Trước đó cùng ngày, Pfizer đã thông báo tiến tới cấp bản quyền cho các công ty sản xuất dược phẩm ở nhiều nước nhằm cung cấp thuốc điều trị COVID-19 cho 95 nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua một thỏa thuận với Công ty y tế quốc tế Medicines Patent Pool (MPP).
Cùng ngày 16/11, Chính phủ Argentina đã đăng trên Công báo quyết định thành lập một cơ quan liên bộ phụ trách vấn đề nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại vaccine cũng như thúc đẩy các công nghệ y tế khác với mục đích giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, cơ quan liên bộ này đã họp phiên đầu tiên vào ngày 15/11 vừa qua với sự tham dự của Tổng thống Alberto Fernández; Bộ trưởng Y tế Carla Vizzotti; Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Daniel Filmus; và Bộ trưởng Phát triển Sản xuất, Matías Kulfas. Tại cuộc họp này, các quan chức trong Chính phủ Argentina đã nhất trí thúc đẩy việc phát triển và sản xuất các loại vaccine dựa trên các dự án hợp tác công-tư.
Ngoài ra, cơ quan liên bộ này trước mắt sẽ tập trung vào phát triển các công nghệ mới giúp đẩy mạnh việc chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh COVID-19, trong đó ưu tiên sản xuất vaccine phòng ngừa.
Bộ trưởng Y tế Carla Vizzotti ngày 16/11 thông báo tổng cộng 27,5 triệu người dân Argentina, tương đương 60% dân số, đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tổng cộng 811.100 người đã được tiêm liều vaccine tăng cường. Hơn 3,2 triệu trẻ em từ 3-11 tuổi tại 24 tỉnh thành trên cả nước đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Argentina, liều vaccine tăng cường dành cho những người bị suy giảm miễn dịch và những người trên 50 tuổi.
Quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận tổng cộng hơn 5,2 triệu người mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020, trong đó có khoảng 116.250 trường hợp tử vong. Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm đáng kể, với trung bình 1.000 ca/ngày.