Theo thỏa thuận, công ty dược phẩm Biovac có trụ sở tại Cape Town sẽ thực hiện công đoạn cuối cùng, là đóng gói và hoàn thiện, trong quy trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Việc chuyển giao kỹ thuật, phát triển tại chỗ và lắp đặt thiết bị sẽ được bắt đầu ngay lập tức. Tuy nhiên, dự án này sẽ mất nhiều thời gian để triển khai, do đó dự kiến vaccine của hãng Pfizer/BioNTech được đóng gói tại châu Phi sẽ chưa thể lưu hành trước năm 2022.
Ước tính, sau khi đi vào hoạt động, Biovac sẽ cung cấp hơn 100 triệu liều mỗi năm để phân phối cho 55 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi (AU).
Giám đốc điều hành Biovac Morena Makhoana nhấn mạnh đây là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vaccine một cách ổn định trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích tình trạng bất bình đẳng về vaccine ngừa COVID-19, trong đó các nước nghèo hơn được tiếp cận vaccine ít hơn so với những quốc gia giàu có hơn.
Vaccine do công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức hợp tác phát triển là loại vaccine công nghệ mRNA được phương Tây phê duyệt đầu tiên vào cuối năm ngoái. Nghiên cứu cho thấy vaccine của hãng Pfizer/BioNTech có hiệu quả cao trong ngăn ngừa COVID-19, trong đó có thể bảo vệ trước những biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn.
Pfizer/BioNTech cho biết đến nay, hãng đã phân phối hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng. Các nước châu Phi phụ thuộc chủ yếu vào cơ chế này, nhưng số vaccine họ nhận được từ COVAX hiện thấp hơn so với kế hoạch. Theo ước tính của WHO hồi đầu tháng này, chỉ có 2% dân số châu Phi, khoảng 16 triệu người, đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Nam Phi có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu Phi với trên 2,3 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 67.000 ca tử vong. Nước này hiện phải nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ ba diễn biến nghiêm trọng do thiếu vaccine và biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh. Hồi tháng trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã thông báo kế hoạch đưa Nam Phi trở thành một trung tâm vaccine công nghệ mRNA, trong đó khẳng định người dân châu Phi không thể tiếp tục phụ thuộc vào vaccine được sản xuất ở bên ngoài châu lục này.