Phái đoàn ngoại giao Mỹ lần đầu tiên thăm Syria sau khi chính quyền cũ sụp đổ

Lần đầu tiên sau khi Tổng thống Bashar Assad bị lật đổ hôm 8/12, các nhà ngoại giao Mỹ đã đến thủ đô Damascus để hội đàm với lãnh đạo mới của Syria và tìm kiếm thông tin về nhà báo Mỹ mất tích Austin Tice.

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ sáng 20/12, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực cận Đông, bà Barbara Leaf, cựu đặc phái viên về Syria Daniel Rubinstein và Đặc phái viên cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden về đàm phán con tin Roger Carstens đã thực hiện chuyến thăm.

Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, các nhà ngoại giao Mỹ chính thức đặt chân đến Syria kể từ khi Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Damascus vào năm 2012.

Mục tiêu chuyến thăm và những ưu tiên hàng đầu

Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phái đoàn sẽ gặp gỡ trực tiếp nhiều thành phần trong xã hội Syria, bao gồm đại diện các nhóm xã hội, các nhà hoạt động, cộng đồng địa phương và các nhân vật có tiếng nói tại Syria để lắng nghe quan điểm của họ về tương lai đất nước. Đồng thời, Mỹ cũng cam kết hỗ trợ trong quá trình tái thiết Syria.

Một trong những trọng tâm của chuyến đi là tìm kiếm thông tin về Austin Tice, nhà báo Mỹ mất tích từ năm 2012. Tice, người từng viết bài cho The Washington Post và các tờ báo khác, đã bị mất tích tại một trạm kiểm soát ở khu vực phía tây Damascus trong bối cảnh cuộc nội chiến Syria leo thang.

Video công bố vài tuần sau khi ông mất tích cho thấy ông bị bịt mắt và bị nhóm vũ trang bắt giữ, nhưng từ đó đến nay không có thêm thông tin gì.

Mỹ cho biết đã tăng cường nỗ lực để tìm kiếm và đưa Tice về nước, trong đó có việc liên lạc với các nhóm nổi dậy đã lật đổ chính quyền của ông Assad để lấy thông tin.

Gặp gỡ các lãnh đạo mới của Syria

Đoàn ngoại giao Mỹ cũng dự kiến gặp gỡ các lãnh đạo của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm đối lập dẫn đầu cuộc tấn công Damascus khiến ông Assad phải rời khỏi đất nước.

HTS hiện được Mỹ và nhiều nước liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh việc này không ngăn cản các quan chức Mỹ tiếp xúc với lãnh đạo hoặc thành viên của nhóm.

Mặc dù hoan nghênh các tuyên bố công khai của thủ lĩnh HTS Ahmad al-Sharaa về việc bảo vệ quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số, Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng về cam kết thực sự của ông trong dài hạn.

Dù Mỹ đã ngừng hoạt động ngoại giao chính thức ở Syria từ năm 2012, quân đội Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện hạn chế tại đây nhằm chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo thông báo mới nhất ngày 20/12, Mỹ đã tăng gấp đôi số lượng binh sĩ tại Syria để đối phó với IS ngay trước khi ông Assad bị lật đổ. Đồng thời, không quân Mỹ cũng gia tăng đáng kể các cuộc không kích vào các mục tiêu IS nhằm ngăn chặn nhóm này tái tổ chức trong bối cảnh quyền lực tại Syria đang bị bỏ ngỏ.

Tương lai quan hệ Mỹ-Syria

Dù có chuyến thăm quan trọng này, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chưa có kế hoạch mở lại đại sứ quán tại Damascus, hiện đang được bảo vệ bởi chính phủ Séc. Quyết định chính thức về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ được đưa ra sau khi chính quyền mới của Syria thể hiện rõ ràng định hướng và cam kết của mình.

Chuyến thăm của các nhà ngoại giao Mỹ là bước đi đầu tiên trong việc đánh giá tình hình Syria sau thời kỳ của ông Assad, đồng thời tìm kiếm vị thế tại đất nước này.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo outlookindia/AP)
Cơ hội 'vàng' của Mỹ với Nga sau sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria
Cơ hội 'vàng' của Mỹ với Nga sau sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria

Sự sụp đổ của chính quyền Assad mở ra cơ hội hiếm có cho Mỹ thiết lập lại cán cân quyền lực tại Trung Đông. Mỹ có thể buộc Nga lựa chọn giữa thỏa thuận ở Ukraine hoặc mất căn cứ chiến lược tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN