Bình luận với tờ The Hill mới đây, Tiến sĩ G. Alexander Crowther, thành viên cao cấp của Chương trình Quốc phòng và An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu và Trung tá Không quân Mỹ Jahara Matisek, Tiến sĩ quân sự tại khoa An ninh Quốc gia thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria đang mở ra một cơ hội chiến lược hiếm có cho Mỹ.
Mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng khẳng định "Syria là một mớ hỗn độn" và kêu gọi Washington không nên can thiệp, tình hình hiện tại đang tạo ra những điều kiện thuận lợi để Mỹ có thể thiết lập lại cán cân quyền lực tại Trung Đông và Đông Âu.
Với việc hợp tác cùng các đồng minh, Mỹ có thể hỗ trợ lực lượng đối lập Syria xây dựng một chính quyền mạnh. Đồng thời, điều này sẽ đặt các căn cứ hải quân và không quân của Nga tại Syria vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thông qua chiến lược này, Washington có thể tạo ra đòn bẩy đối với Moskva trong vấn đề Ukraine, buộc Tổng thống Vladimir Putin phải lựa chọn giữa việc đạt được thỏa thuận ở Ukraine hoặc mất hai căn cứ chiến lược quan trọng tại Địa Trung Hải.
Đáng chú ý, các căn cứ quân sự của Nga tại Syria đóng vai trò then chốt trong việc triển khai lực lượng trên toàn khu vực Địa Trung Hải, ảnh hưởng trực tiếp đến thế trận của các thành viên NATO. Theo các báo cáo hiện có, hàng nghìn quân nhân Nga đang bị mắc kẹt tại một số căn cứ tiền phương xung quanh Syria và không thể sơ tán. Tình huống này tạo cơ hội cho Mỹ thay đổi cán cân quyền lực, không chỉ với Nga mà còn với Iran, đặc biệt khi phe đối lập Syria đã bày tỏ thái độ chống đối rõ ràng đối với Tehran và lực lượng Hezbollah.
Chiến lược của Mỹ còn hướng tới một mục tiêu dài hạn quan trọng khác: giảm sự hiện diện quân sự trực tiếp tại Syria và Iraq. Bằng cách hỗ trợ người Syria tái thiết một nhà nước ổn định và thực hiện giải pháp chính trị, Washington có thể loại bỏ nhu cầu duy trì lực lượng trên bộ trong khu vực. Đồng thời, điều này cũng giúp ngăn chặn không gian chiến trường rơi vào tay các nhóm khủng bố xuyên quốc gia và các phe phái cực đoan.
Để tránh kịch bản Syria trở thành "Libya 2.0", các quốc gia trong khu vực như Jordan, Iraq, Saudi Arabia và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vịnh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trên thực địa. Tuy nhiên, một thách thức đáng kể đến từ nhóm đối lập chính Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng đã chỉ huy phần lớn các chiến dịch quân sự chống lại chính quyền Assad. Mặc dù HTS đã thể hiện thiện chí trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình, những mối liên hệ trước đây của họ với các tư tưởng cực đoan đòi hỏi sự cân nhắc thận trọng.
Một điểm quan trọng trong chiến lược này là việc tập trung viện trợ nhân đạo để đảm bảo tất cả các bên tham gia hợp pháp của Syria đều được tham gia vào tiến trình chính trị. Đồng thời, cần hỗ trợ các quốc gia láng giềng của Syria trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra, bao gồm cả vấn đề tái định cư và phúc lợi cho người tị nạn.
Yếu tố thời gian đóng vai trò quyết định trong tình huống này. Nếu Mỹ không hành động nhanh chóng, Nga có thể đàm phán riêng với phe đối lập Syria để bảo vệ các căn cứ và nhân sự của Nga tại Syria. Hiện tại, các lãnh đạo thuộc phe đối lập Syria đã cam kết đảm bảo an ninh cho các cơ sở quân sự và ngoại giao của Nga, nhưng không ai có thể chắc chắn cam kết này sẽ kéo dài được bao lâu.
Các chuyên gia trên định rằng đây là cơ hội để phương Tây qua Nga ở Syria. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Moskva có thể chấp nhận tổn thất ở Syria và chuyển hướng sang Libya, nơi họ cũng có các căn cứ tại Taboruk và các địa điểm khác.
Tóm lại, Tiến sĩ Crowther và Matisek kết luận, sự sụp đổ của chính quyền Assad đang mở ra cơ hội cho Mỹ định hình lại bối cảnh chiến lược không chỉ ở Syria mà còn xa hơn nữa. Tuy nhiên, thành công của chiến lược này phụ thuộc vào sự kịp thời, linh hoạt và khả năng thích ứng với những phức tạp của cuộc cạnh tranh địa chính trị hiện đại.