Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: CTV Việt Ba |
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Ngoại giao Ba Lan, Đại sứ quán các nước ASEAN, Nga, Nhật Bản tại Ba Lan cùng nhiều chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phóng viên một số hãng truyền thông của Ba Lan.
Tại Hội thảo, Chủ tịch CSM, đã công bố báo cáo đặc biệt “Biển Đông: tâm điểm tiềm ẩn khả năng gây xung đột ở châu Á”. Nội dung báo cáo đề cập tổng quan tình hình tranh chấp ở Biển Đông: khu vực Biển Đông và lịch sử nguồn gốc tranh chấp, các tranh chấp từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, yêu sách chủ quyền của các bên, tình hình hiện tại và các vấn đề nóng như xây dựng, quân sự hóa các đảo nhân tạo; các mối quan hệ trong khu vực liên quan đến vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc với ASEAN và các nước có tranh chấp; lập trường của Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Nhóm G7.
Báo cáo của Tiến sỹ Malgorzata Bonikowska được các đại biểu và đại diện các cơ quan truyền thông Ba Lan đặc biệt quan tâm.
Ông Michal Kolodziejski, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Ba Lan, tuyên bố, lập trường của Ba Lan là mong muốn các bên tranh chấp duy trì sự ổn định ở khu vực, giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình; tránh các hành xử đơn phương gây căng thẳng ở Biển Đông.
Đại sứ Malaysia Ahmad Fadil Shasuddin cũng ủng hộ quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng luật pháp quốc tế trên cơ sở Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, nhất là thông qua Tòa trọng tài La Hay. Còn Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Philippines Randy Arquiza đã cung cấp cho các đại biểu tham dự một số thông tin về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Phân tích lập trường liên quan của Mỹ, Nga, EU… các đại biểu cho rằng các nước lớn cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực này.