Trong khi đó, Tổng thống Chile Gabriel Boric nói: "Từ Chile, tôi phải bày tỏ sự lo lắng của mình đối với tình hình ở Bolivia. Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ đối với nền dân chủ ở đất nước anh em của chúng tôi và chính quyền hợp pháp của ông Luis Arce... Chúng ta không thể dung thứ cho bất kỳ hành vi vi phạm trật tự Hiến pháp hợp pháp nào ở Bolivia hoặc bất kỳ nơi nào khác".
Còn Tổng thống Paraguay Santiago Pena cũng tuyên bố: "Paraguay lên án việc huy động quân đội bất thường ở Bolivia, vụ việc đã bị Tổng thống Arce tố cáo. Chúng tôi đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ việc tôn trọng dân chủ và pháp quyền".
Chính phủ Brazil cũng kịch liệt lên án âm mưu đảo chính đang diễn ra ở Bolivia. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Brazil, Chính phủ Brazil cho rằng những sự kiện đang diễn ra ở Bolivia không phù hợp với cam kết của nước này với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Còn Tổng thống Mexico Lopez Obrador tuyên bố rằng Mexico kịch liệt lên án âm mưu đảo chính ở Bolivia.
Theo Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, EU lên án bất kỳ âm mưu nào nhằm phá vỡ trật tự Hiến pháp ở Bolivia và lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ. Mỹ hiện cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Bolivia đồng thời kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cùng ngày kêu gọi tôn trọng nền dân chủ và pháp quyền ở Bolivia sau khi xảy ra những vụ việc ở thủ đô La Paz.
Trong khi đó, Tổng thống Bolivia Luis Arce ngày 26/6 đã yêu cầu Tướng Juan Jose Zuniga ra lệnh các binh sĩ, mà đã tiếp quản quảng trường trung tâm ở thủ đô La Paz, giải ngũ. Ông Luis Arce đã lên tiếng tố cáo âm mưu đảo chính của một bộ phận quân đội và kêu gọi tôn trọng nền dân chủ.