Ngày 6/2, Nga lên tiếng phản đối thái độ của các nước phương Tây đối với quyết định của Mátxcơva phủ quyết dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) về Xyri.
Phát biểu với báo giới tại Mátxcơva sau cuộc gặp với người đồng cấp Baranh Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rõ một số lời bình luận mà các nước phương Tây đưa ra liên quan cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đối với dự thảo nghị quyết về Xyri là "khiếm nhã" và "mang tính kích động" nhằm mục đích ngăn cản những gì trên thực tế đang diễn ra và đã diễn ra (quyết định của Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết). Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh những lời bình luận này khiến ông nhớ tới câu ngạn ngữ "Cả giận mất khôn".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Internet. |
Ông Lavrov tái khẳng định lập trường của Nga cho rằng việc đổ lỗi gây bạo lực ở Xyri cho riêng Chính quyền của Tổng thống nước này Bashar al-Assad là sai lầm, đồng thời tuyên bố dự thảo nghị quyết nên đề cập đến phe đối lập. Tỏ ý lấy làm tiếc vì các nước phương Tây đã không đồng ý với đề xuất của Nga hoãn cuộc bỏ phiếu nói trên cho đến sau chuyến thăm của ông đến Đamát (Xyri), Ngoại trưởng Lavrov cho rằng các đồng tác giả dự thảo nghị quyết đã quá vội vàng khi quyết định đưa văn bản này ra bỏ phiếu. Theo các nhà phân tích, ông Lavrov dự định trong chuyến thăm này sẽ thuyết phục ông Assad từ chức để nhường chỗ cho một vị phó lên thay theo đúng kế hoạch do Liên đoàn Arập (AL) đề ra.
Sau khi Nga và Trung Quốc bác bỏ dự thảo nghị quyết về Xyri, phương Tây đã lập tức chỉ trích quyết định này của Mátxcơva và Bắc Kinh, cho rằng từ chối trách nhiệm (ủng hộ dự thảo nghị quyết) là hành động "đáng hổ thẹn". Trong khi đó, Pháp và Đức tuyên bố không chấp nhận việc phong tỏa dự thảo nghị quyết về Xyri.
Phát biểu sau cuộc gặp tại Pari (Pháp) với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Sarkozy cho biết ông sẽ hối thúc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thảo luận về phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Xyri. Ông cho biết Thủ tướng Pháp Francois Fillon cũng sẽ sớm trao đổi với Thủ tướng Nga Vladimir Putin về vấn đề này. Bà Merkel thừa nhận Đức không chỉ thất vọng mà còn lo ngại vì dự thảo nghị quyết không được thông qua, đồng thời kêu gọi Nga "xem xét các hậu quả có thể gây ra".
Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu có nguy cơ phá hỏng các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xyri bằng biện pháp hòa bình.
Anh tuyên bố sẽ tìm kiếm những biện pháp mới gây sức ép với Xyri thông qua LHQ và Liên minh châu Âu, kêu gọi Nga và Trung Quốc xem xét lại quyết định của mình.
Cùng ngày, Mỹ đã đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Xyri và rút toàn bộ số nhân viên ngoại giao làm việc tại đây về nước sau khi Đamát không giải tỏa những quan ngại về an ninh.
TTXVN/Tin Tức