Dư luận thế giới tiếp tục có những quan điểm khác nhau trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xyri sau khi chính phủ của Thủ tướng Bashar al- Assad bác bỏ sáng kiến mới của Liên đoàn Arập (AL) về việc thành lập phái bộ gìn giữ hòa bình chung với Liên hợp quốc (LHQ) tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu tại thủ đô Mátxcơva ngày 13/2 sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed al-Nahayan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng cần phải thiết lập lệnh ngừng bắn tại Xyri trước khi triển khai phái bộ giám sát chung. Theo ông Lavrov, Nga đang nghiên cứu sáng kiến của AL và muốn các quốc gia Arập giải thích rõ hơn về một vài điểm trong sáng kiến này, đặc biệt trong việc làm thế nào thuyết phục được tất cả các phe phái ở Xyri đồng ý tiếp nhận các nhân viên giám sát quốc tế của AL và LHQ.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khẳng định Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực hòa giải chính trị của AL. Mặc dù ông Lưu Vi Dân không nói rõ quan điểm cụ thể của Bắc Kinh về đề xuất mới của AL, song ông tái khẳng định lập trường của Trung Quốc muốn các phe phái ở Xyri giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Trong khi đó, LHQ, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thể hiện rõ sự hậu thuẫn đối với việc thành lập và triển khai sứ mệnh giám sát chung tại Xyri.
Phát biểu từ thủ đô Brúcxen (Bỉ), quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Asthon cho biết EU ủng hộ sáng kiến của AL và muốn Hội đồng Bảo an LHQ phối hợp hành động nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại Xyri. Bà Catherine đánh giá cao những hành động cương quyết của AL trong việc gia tăng sức ép đối với chính quyền Đamát, đồng thời tuyên bố EU luôn ủng hộ những sáng kiến có thể giúp chấm dứt bạo lực tại Xyri ngay lập tức. Ngoài ra, bà cũng cho biết đang giữ liên lạc thường xuyên với các nhà lãnh đạo AL cũng như LHQ để thảo luận phương thức triển khai sức mệnh giám sát chung càng sớm càng tốt.
Bạo lực vẫn gia tăng tại Xyri. Trong ảnh: Hiện trường vụ nổ nhằm vào lực lượng thực thi pháp luật ở khu vực Hanano thuộc Aleppo ngày 10/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton cũng ủng hộ nỗ lực mới nhất của AL. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đang ở thăm Oasinhtơn, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tiếp tục lên án tình trạng gia tăng bạo lực tại Xyri, đồng thời cho biết Oasinhtơn sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Xyri và sẽ sớm đưa hàng viện trợ khẩn cấp tới quốc gia đang chìm trong bạo loạn này.
Khác với thái độ ủng hộ rõ rệt của Mỹ, Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức, Italia lại có những tuyên bố khá thận trọng khi nói rằng các nước này sẽ xem xét đề xuất của AL trong thời gian sớm nhất. Ngoại trưởng Anh William Hague thậm chí còn cho rằng sự thành công của phái bộ giám sát chung hoàn toàn phụ thuộc vào "một thỏa thuận ngừng bắn đáng tin cậy", cũng như việc chính quyền của Tổng thống Assad phải đồng ý chấm dứt các hành động bạo lực. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cảnh báo bất kỳ hành động an thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào tình hình Xyri cũng sẽ chỉ càng làm tình hình tại đây thêm rối ren. Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Giulio Terzi kêu gọi quốc tế đồng thuận hơn trong kế hoạch triển khai sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Xyri, đồng thời ủng hộ quyết định của AL mở các cuộc đối thoại với phe đối lập ở Xyri.
Dự kiến, các nước sẽ tiến hành thảo luận về sáng kiến của AL tại cuộc họp "Những người bạn của Xyri" diễn ra ở Tuynidi vào ngày 24/2 tới.
Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn tại thành phố Homs - thành phố lớn thứ hai ở Xyri - trong ngày 13/2. Hãng thông tấn SANA của Xyri dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết Đamát quyết tâm "khôi phục an ninh", bất chấp những sức ép từ bên ngoài và sáng kiến mới nhất của AL nhằm chấm dứt đổ máu ở Xyri.
TTXVN/Tin Tức