Ngày 10/6, Văn phòng Thủ tướng Edouard Philippe cho biết thời điểm nói trên là một trong số các lựa chọn hiện được xem xét.
Pháp đã nới lỏng nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp đặt trước đó để khống chế dịch COVID-19 sau khi các số liệu cho thấy tình hình dịch bệnh trong nước có dấu hiệu suy giảm. Các cửa hàng, khu nghỉ dưỡng và nhiều điểm thăm quan du lịch đã dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến khích mang khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi ra ngoài, tiếp tục làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng.
Theo số liệu chính thức công bố vào ngày 9/6, số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp đã tăng thêm 87 trường hợp lên 29.296 ca. Đây là số ca tử vong theo ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 2/6, nhưng vẫn ở mức hai con số trong 7 ngày liên tiếp.
* Cùng ngày, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov thông báo nước này sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp tới cuối tháng này nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, sau khi ghi nhận các ca nhiễm mới gia tăng.
Bulgaria đã nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế được áp đặt từ giữa tháng 3 nhằm khống chế dịch COVID-19. Các nhà hàng và siêu thị đã được phép mở cửa trở lại. Thủ tướng Borissov cho biết chính phủ hiện không có ý định áp đặt thêm các biện pháp hạn chế mới, nhưng ông cũng kêu gọi người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Đến nay, Bulgaria đã ghi nhận 2.889 ca mắc COVID-19, trong đó có 167 trường hợp tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 79 ca nhiễm mới.
* Còn tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết nước này sẽ dỡ bỏ việc kiểm soát biên giới với Thụy Sĩ, Pháp, Áo và Đan Mạch từ ngày 15/6 tới, song nhấn mạnh chính phủ sẽ cân nhắc lại nếu tình hình dịch bệnh xấu đi. Ông cũng cho biết các quy định hiện hành đối với những người không phải công dân Liên minh châu Âu (EU) muốn tới Đức vẫn được duy trì tới cuối tháng 6.
Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ cùng ngày cho biết từ tuần tới, Đức sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với các lao động thời vụ vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Theo nguồn tin này, Thủ tướng Đức Angela Merken đã chấp thuận các đề xuất của Bộ trưởng Nông nghiệp Julia Kloeckner, theo đó các lao động thời vụ đến từ các nước thuộc EU và khu vực tự do đi lại Schengen có thể nhập cảnh vào Đức từ ngày 16/6 mà không phải chịu các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng được yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh. Các lao động được chia thành các nhóm cố định nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan và nếu một người bị ốm, toàn bộ những người còn lại trong nhóm cũng sẽ bị cách ly. Quy định mới này sẽ được áp dụng tới ngày 31/12.
Trước đó, Đức ước tính tối đa 80.000 lao động thời vụ có thể vào nước này do đại dịch COVID-19, dù chưa đến một nửa trong số này được tuyển dụng. Năm ngoái, gần 300.000 lao động thời vụ đã được tuyển dụng trong ngành Nông nghiệp, chủ yếu đến từ Romania và Ba Lan.
Cùng ngày 10/6, Nội các LB Đức đã họp và thông qua quyết định mở rộng cảnh báo du lịch đối với trên 160 quốc gia ngoài khu vực EU đến hết tháng 8 tới. Tuy nhiên, việc áp dụng sẽ có ngoại lệ cho từng quốc gia đáp ứng các tiêu chí nhất định.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trang web của Bộ Ngoại giao Đức dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Heiko Maas rằng “Chính phủ liên bang đã quyết định mở rộng cảnh báo du lịch toàn cầu đối với các quốc gia trừ các nước thành viên của EU, các quốc gia liên quan đến Schengen và Vương quốc Anh đến hết ngày 31/8”.
Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh, đối với các quốc gia khác, việc mở rộng cảnh báo du lịch bởi giữa Đức và các quốc gia này chưa có các cơ sở dữ liệu, tiêu chí và quy trình phối hợp phổ biến, đáng tin cậy, khiến lưu lượng nhập cảnh không bị hạn chế có thể khiến dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Tuần trước, Nội các liên bang Đức đã quyết định dỡ bỏ cảnh báo du lịch từ ngày 15/6 tới đây đối với 31 quốc gia châu Âu, gồm 26 quốc gia thuộc EU, Vương quốc Anh và 4 quốc gia thuộc khu vực Schengen, không phải là thành viên của EU và không chịu sự kiểm soát biên giới gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Đối với 29 quốc gia, việc dỡ bỏ cảnh báo du lịch sẽ có hiệu lực vào ngày 15/6, ngoại trừ Tây Ban Nha và Na Uy sẽ diễn ra sau bởi các quốc gia này vẫn áp dụng hạn chế nhập cảnh.
* Cùng ngày, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết Hungary và Croatia sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa hai nước từ ngày 12/6 do tình hình dịch bệnh tại cả hai nước đã giảm và đang trong tầm kiểm soát.
Theo quan chức này, việc mở cửa biên giới trước đó với Áo, Slovakia, Serbia, Slovenia and CH Séc đã không làm gia tăng các trường hợp nhiễm mới tại Hungary.
Hungary ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 khá thấp do nước này sớm áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Tính đến 10/6, đất nước10 triệu dân ghi nhận 4.027 ca mắc COVID-19 với 551 trường hợp tử vong.
* Đan Mạch, quốc gia đầu tiên ngoài khu vực châu Á thực hiện nới lỏng lệnh phong tỏa, cho biết tốc độ lây lan của dịch COVID-19 không tăng nhanh kể từ khi nước này bước vào giai đoạn hai của kế hoạch khôi phục lại cuộc sống thường nhật hồi tháng trước.
Trong báo cáo công bố ngày 10/6, Bộ Y tế Đan Mạch cho biết "mức độ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn rất thấp", số ca nhiễm mới tiếp tục giảm dù có thêm nhiều cuộc xét nghiệm được tiến hành. Trong 3 tuần qua, số ca tử vong do dịch COVID-19 dao động ở ngưỡng 0 - 4 ca/ngày, sau mức đỉnh 22 ca được ghi nhận vào ngày 31/3. Trong khi đó, số ca nhập viên cũng giảm xuống dưới 100 ca kể từ đầu tháng 6.
Trong giai đoạn hai của việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, Đan Mạch đã cho phép các nhà hàng, tiệm cà phê và trung tâm mua sắm hoạt động trở lại trong tháng 5. Trước đó, vào tháng 4, các nhà trẻ, trường học, tiệm cắt tóc và một số loại hình kinh doanh quy mô nhỏ đã được mở cửa trở lại. Ngày 8/6, Chính phủ Đan Mạch đã nới lỏng quy định hạn chế số người tụ tập tại các sự kiện áp đặt từ ngày 17/3 vừa qua, theo đó tăng số người được phép tham dự sự kiện từ 10 người lên 50 người.