Kể từ năm 1990, 78% trong số 27 cuộc đảo chính ở châu Phi Hạ Sahara xảy ra ở các quốc gia Pháp ngữ. Điều này khiến một số nhà bình luận đặt câu hỏi liệu Pháp - hay di sản của chủ nghĩa thực dân Pháp - là nguyên nhân?
Đây là quan điểm của nhiều nhân vật thực hiện đảo chính. Đại tá Abdoulaye Maiga, người được chính quyền quân sự ở Mali bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 9/2022, đã gay gắt chỉ trích Pháp. Ông Maiga cáo buộc rằng Pháp đã "từ bỏ các giá trị đạo đức phổ quát" và đâm "sau lưng" Mali đồng thời đề cập đến “các chính sách theo chủ nghĩa thực dân mới, bề trên, gia trưởng và đầy thù hận”.
Đài BBC (Anh) cho biết việc đả kích Pháp cũng phát triển mạnh ở Burkina Faso, nơi chính quyền quân sự vào tháng 2 đã chấm dứt hiệp định lâu dài cho phép quân đội Pháp hoạt động ở nước này. Pháp chỉ có một tháng để rút quân khỏi Burkina Faso.
Tại Niger, Tổng thống Mohamed Bazoum bị cáo buộc là “con rối cho các lợi ích của Pháp” và lực lượng đảo chính vin vào điều này để hợp pháp hóa việc loại bỏ quyền lực của ông. Chính quyền quân sự do Tướng Abdourahmane Tchiani lãnh đạo đã thu hồi 5 thỏa thuận quân sự với Pháp. Điều này phần nào dẫn đến việc sau đảo chính đã diễn ra biểu tình và tấn công nhằm vào đại sứ quán Pháp.
Chế độ cai trị của thực dân Pháp đã thiết lập các hệ thống chính trị được thiết kế để khai thác nguồn tài nguyên quý giá trong khi sử dụng chiến lược đàn áp để duy trì quyền kiểm soát. Sự cai trị của thực dân Anh cũng vậy, tuy nhiên Pháp vẫn tiếp tục tham gia vào chính trị và kinh tế của các thuộc địa cũ sau khi họ giành độc lập. Bảy trong số chín quốc gia Pháp ngữ ở Tây Phi vẫn sử dụng đồng franc CFA, được cố định bằng đồng euro và được Pháp đảm bảo, làm tiền tệ của họ.
Trong những năm gần đây, khả năng đảm bảo trật tự của Pháp và các quốc gia phương Tây khác đã xấu đi, khiến họ ngày càng dễ bị chỉ trích. Mặc dù có nguồn tài chính và lực lượng đáng kể, phản ứng quốc tế do Pháp dẫn đầu đối với các cuộc nổi dậy ở khu vực Sahel đã không thể giúp các chính phủ Tây Phi giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ của họ.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với số phận của các nhà lãnh đạo dân sự ở Burkina Faso và Mali vì nó phần nào cho thấy họ không có khả năng bảo vệ công dân của mình. Sự tức giận và thất vọng ngày càng tăng của dân chúng khiến các lãnh đạo quân sự tin rằng người dân sẽ ủng hộ việc đảo chính.
Tuy nhiên, sự bất ổn mà các quốc gia Pháp ngữ hiện đang trải qua không hoàn toàn chỉ do Paris. Bốn trong số những quốc gia ghi nhận số vụ đảo chính cao nhất kể từ năm 1952 là Nigeria (8), Ghana (10), Sierra Leone (10) và Sudan (17), tất cả đều từng chịu sự cai trị của Anh.
Xu hướng đảo chính gần đây ở các quốc gia Pháp ngữ chịu tác động bởi mức độ mất an ninh "chưa từng có" ở các vùng của Tây Phi và khu vực Sahel. Theo Liên hợp quốc, "các nhóm vũ trang, những kẻ cực đoan bạo lực và mạng lưới tội phạm" đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào chính phủ dân sự.
Các cuộc đảo chính trong ba năm qua cũng bị thúc đẩy bởi một tập hợp các yếu tố nội địa thể hiện khả năng hành động các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự châu Phi. Một ví dụ là nguyên nhân đảo chính tại Mali bao gồm làn sóng các lực lượng cực đoan sau sự sụp đổ của chính quyền Libya năm 2011, cáo buộc tổng thống thao túng bầu cử địa phương và biểu tình chống chính phủ quy mô lớn do các đảng đối lập tổ chức ở thủ đô.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính ở Niger dường như bắt nguồn từ kế hoạch của Tổng thống Bazoum nhằm cải tổ bộ chỉ huy cấp cao của quân đội và cách chức Tướng Tchiani. BBC cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy cuộc đảo chính không thực sự nhằm củng cố chủ quyền của Niger, hoặc hỗ trợ những công dân nghèo nhất của đất nước, mà là để bảo vệ các đặc quyền của giới tinh hoa quân sự.