Ngày 30/6, Đại tá Thierry Burkhard, người phát ngôn các lực lượng vũ trang Pháp, thừa nhận quân đội nước này đã cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập tại Libi đang hoạt động ở khu vực Djebel Nafusa, phía đông nam thủ đô Tripôli của Libi. Tuyên bố của Pháp đã làm nảy sinh nghi vấn liệu nước này có vi phạm luật pháp quốc tế khi các nghị quyết 1970 và 1973 về Libi của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đều áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với đất nước Bắc Phi này.
Lực lượng nổi dậy Libi bên xác một binh sĩ chính phủ sau cuộc chiến tại làng Ryayna ngày 14/6. AFP/TTXVN |
Số vũ khí này, gồm súng tiểu liên, súng máy, súng phóng lựu và thậm chí cả súng chống tăng Milan do châu Âu sản xuất, được không quân Pháp thả dù xuống Djebel Nafusa cho quân nổi dậy thuộc bộ tộc Berber. Tuy nhiên, Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud tuyên bố hành động này không vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ khi viện dẫn Điều 4 Nghị quyết số 1973 cho phép các thành viên LHQ được "áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân".
Đô đốc Di Paola của Italia, phụ trách Ủy ban chỉ huy quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng tuyên bố tổ chức này sẽ không trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập tại Libi. Phát biểu bên lề một hội thảo quốc phòng tại Brúcxen (Bỉ), Bộ trưởng phụ trách chiến lược an ninh quốc tế của Anh Gerald Howarth cho biết, Luân Đôn sẽ không đi theo động thái của Pháp. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, Luân Đôn đã cung cấp cho quân nổi dậy Libi 5.000 bộ áo giáp, cùng nhiều bộ cảnh phục và thiết bị thông tin liên lạc, đồng thời khẳng định hành động này hoàn toàn phù hợp với nghị quyết của HĐBA LHQ.
Cùng ngày 30/6, Liên minh châu Phi (AU) đã lên tiếng cáo buộc hành động cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Libi của Pháp cũng như lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi và một số người khác của Tòa án Hình sự quốc tế. Chủ tịch Ủy ban AU Jean Ping bày tỏ quan ngại lo ngại rằng, những vũ khí này có thể sẽ rơi vào tay các phần tử khủng bố Al Qaeda, những kẻ buôn lậu ma túy và buôn người.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ tinh thần Nghị quyết của HĐBA LHQ về Libi và tránh có hành động nào vượt quá sự cho phép của nghị quyết này.
Trong Hội nghị thượng đỉnh AU khai mạc ngày 30/6 tại Malabo (Ghinê Xích đạo), các nhà lãnh đạo AU đã tìm kiếm sự ủng hộ đối với lộ trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libi, trong khi phái đoàn của phe nổi dậy khẳng định nhà lãnh đạo Kadhafi phải ra đi. Trong khi đó, đại diện của chính phủ Libi tham dự hội nghị kéo dài hai ngày này nhấn mạnh cần có sự thống nhất về một lộ trình bao gồm thỏa thuận ngừng bắn và đàm phán. Lộ trình của AU bao gồm vấn đề nhân đạo, một lệnh ngừng bắn, một cuộc chuyển giao quyền lực toàn diện và các cải cách chính trị cần thiết cho việc loại bỏ những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
Quang Minh