Điểm đáng lưu ý là tất cả các cụ ở cơ sở nêu trên đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) bào chế, với mũi thứ hai được tiêm vào ngày 25/1 vừa qua. Tuy nhiên chưa rõ thời điểm các cụ bị nhiễm bệnh và chỉ được phát hiện trong một đợt xét nghiệm nhanh hằng ngày hôm 2/2. Hiện toàn bộ cơ sở, nhân viên và người nhà những cư dân trong cơ sở này đã được cách ly theo dõi.
Theo giới chức y tế huyện Osnabrück, 14 cụ nhiễm biến thể phát hiện ở Anh cho đến nay chỉ có những biểu hiện bệnh ở thể nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng, một phần có thể do tác động tích cực từ việc đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, việc nhiễm bệnh cho thấy ngay cả những người được tiêm chủng cũng không miễn dịch được với COVID-19 và vẫn có thể lây lan cho người khác.
Báo Tấm gương hằng ngày (Tagesspiegel) ngày 7/2 dẫn một nghiên cứu từ Israel cho biết, vaccine của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả mục tiêu 95% một tuần sau mũi tiêm chủng thứ hai. Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy cơ thể đã có 50% khả năng bảo vệ chống COVID-19 trong 10 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Những kết quả này cũng giống như thông báo của nhà sản xuất trong nghiên cứu giai đoạn III.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Nguồn nhân lực Hungary, Miklos Kasler cho biết Trung tâm dịch vụ y tế quốc gia Hungary đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga ngừa COVID-19 để sử dụng ở quốc gia châu Âu này.
Trên mạng xã hội Facebook, ông Kasler nêu rõ: “Trung tâm dịch vụ y tế quốc gia đã hoàn thành các nghiên cứu chính thức cần thiết về vaccine Sputnik V, xác định rằng vaccine này đáp ứng các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm và phù hợp để sử dụng cho người”.
Ngoài Sputnik V, ba loại vaccine phòng COVID-19 khác đã được phê duyệt để sử dụng ở Hungary là vaccine do Pfizer/BioNTech, Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh) phát triển. Cho đến nay, Hungary vẫn là nước thành viên duy nhất trong EU được phép sử dụng vaccine của Nga.
Ngày 3/2, Tạp chí y khoa The Lancet đã công bố một phân tích tạm thời qua thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Sputnik V, cho thấy vaccine này đạt hiệu quả 91,6% chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Sputnik V đã có mặt tại 21 quốc gia trên thế giới. Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF), vốn chịu trách nhiệm tiếp thị vaccine ra nước ngoài, đã bắt đầu quá trình để Sputnik V được chấp thuận ở Liên minh châu Âu (EU).
* Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Trung Đông ngày 7/2 cho biết các trung tâm vaccine của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người già và người mắc bệnh mãn tính trước. Đây là một giải pháp tạm thời trong bối cảnh quốc gia này đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng lên những tuần gần đây.
Theo Bộ Y tế UAE, kế hoạch tiêm vaccine nói trên phù hợp với chiến lược tiêm phòng COVID-19 nhằm đảm bảo miễn dịch cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh. Trong 4-6 tuần tới, việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tập trung tối đa cho người già và người mắc bệnh mãn tính, vốn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trong thời gian này, các thành phần xã hội khác cũng có thể được tiêm vaccine sau khi đặt lịch hẹn trước tại những trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.
Trước đó, thành phố Dubai đã nhận lô hàng vaccine do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh sản xuất, trở thành loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba được UAE phê duyệt và cung cấp trong đợt tiêm chủng trên toàn quốc.
Theo số liệu thống kê mới nhất, UAE đã ghi nhận trên 326.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 921 ca tử vong.