Phát hiện mới về thành phố Calakmul thuộc nền văn minh Maya

Khu đô thị Calakmul ở miền Nam Mexico có thể là thành phố Maya cổ đại đông đúc nhất trong thời kỳ đỉnh cao của nền văn minh Maya cách đây 1.300 năm. Nhận định này được đưa ra trong một nghiên cứu mới đây có sử dụng công nghệ LIDAR (Light Detection and Ranging).

Chú thích ảnh
Một hình ảnh minh họa các chi tiết mới, được phát hiện bằng công nghệ laser LIDAR, của thành phố cổ đại của người Maya ở Calakmul, Mexico. Ảnh: Reuters 

Nghiên cứu trên do Viện Nhân chủng học và lịch sử quốc gia Mexico (INAH) thực hiện và công bố ngày 26/10. Công trình này tập trung phân tích những di tích của thành phố Calakmul hùng mạnh một thời, tọa lạc ở vùng đất thấp trung tâm của bán đảo Yucatan gần biên giới Guatemala. Khu đô thị rộng lớn này phát triển mạnh mẽ qua thời kỳ cực thịnh của thời Maya cổ điển từ khoảng năm 250 - 900 sau Công nguyên, với các kim tự tháp, cung điện, khu đền thờ khổng lồ, và cho đến nay mới chỉ khai quật được một phần nhỏ trong số đó.

Bà Kathryn Reese-Taylor, học giả thuộc Đại học Calgary, lý giải rằng các bản đồ mới về khu đô thị cổ Calakmul cho thấy nhiều tòa nhà chưa được biết đến trước đây và điều này chứng tỏ rằng thành phố Calakmul đông đúc hơn cả Tikal, đô thị Maya cổ đại nằm ở phía Bắc Guatemala lâu nay được coi là thành phố lớn nhất của nền văn minh Maya. 

LIDAR là phương pháp khảo sát chiếu sáng mục tiêu bằng tia laze và đo các xung phản xạ, qua đó tạo mô hình số 3D của mục tiêu. Công nghệ này LIDAR chiếu xung ánh sáng xuyên qua các tán rừng rậm rạp, cho phép các nhà nghiên cứu gạt bỏ thảm thực vật bên trên và phát hiện các công trình lịch sử phía dưới.

Bà Reese-Taylor lưu ý rằng các bản đồ sơ bộ trong dữ liệu 3 tháng trước đó cho thấy các khu dân cư rộng lớn với nhiều đền thờ và chợ xung quanh. Các số liệu trước đây cho rằng dân số tại thành phố cổ Calakmul vào khoảng 50.000 dân, song nghiên cứu mới có thể khiến giới khoa học phải tính toán lại con số này.

Trong một tuyên bố, INAH cho rằng mật độ các tòa nhà chứng tỏ một lượng lớn dân cư sinh sống tại đó. Theo INAH, người Maya đã biến đổi và phát triển mọi vùng đất có thể tiếp cận được, trong đó nhiều kênh dẫn nước, ruộng bậc thang và đập nước chưa từng biết đến trước đây. Có thể những công trình này được thiết kế để bảo vệ nguồn nước và tăng diện tích đất canh tác.

Chuyên gia về nền văn minh Maya Felix Kupprat thuộc Đại học Tự trị quốc gia Mexico cho biết các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm nhiều chi tiết, các kiến trúc lớn và nhỏ tại thành phố cổ Calakmul.

Thanh Hương (TTXVN)
Phát hiện quần thể nghi lễ lớn nhất và cổ nhất của nền văn minh Maya tại Mexico
Phát hiện quần thể nghi lễ lớn nhất và cổ nhất của nền văn minh Maya tại Mexico

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, một nhóm các nhà khảo cổ đã phát hiện một quần thể kiến trúc nghi lễ lớn nhất và lâu đời nhất của nền văn minh Maya được xây dựng từ 1.000 năm đến 800 năm trước Công nguyên tại bang Tabasco của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN