Phát hiện trên được công bố nhân Ngày Nhận thức về chim cánh cụt, nâng tổng số địa điểm sinh sống của loài chim sắp tuyệt chủng lên khoảng 66 nơi tại khu vực duyên hải Nam Cực. Đây là phát hiện mới nhất trong trong một loạt địa điểm được biết đến nhờ sử dụng công nghệ vệ tinh.
Chim cánh cụt hoàng đế là loài đặc trưng của Nam Cực, có kích thước lớn nhất trong số 18 loài chim cánh cụt với chiều cao lên tới 1,2m. Loài này đang đối mặt với nguy cơ không còn chỗ sinh sống do biến đổi khí hậu khiến băng tan, vì môi trường sống của chúng là ở những vùng nước biển đóng băng.
Cơ quan bảo vệ Cá và thiên nhiên hoang dã của Mỹ (FWS) năm ngoái đã đưa chim cánh cụt hoàng đế vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng, gióng lên hồi chuông cảnh báo và kêu gọi hành động. Các dự báo mới nhất cho thấy theo xu hướng ấm lên toàn cầu hiện nay, 80% nơi sống của chim cánh cụt hoàng đế sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.
Các nhà khoa học từ BAS đã phát hiện ra địa điểm mới nhất trên có khoảng 500 cá thể chim. Họ đã nghiên cứu hình ảnh từ vệ tinh cảm ứng Copernicus Sentinel-2 của Liên minh châu Âu (EU) và so sánh với ảnh chụp độ phân giải cao từ vệ tinh MAXAR WorldView3.
Tác giả nghiên cứu trên, ông Peter Fretwell đánh giá phát hiện này “rất lý thú” song vẫn thận trọng rằng nguy cơ đối với sự tồn tại của loài động vật này vẫn còn. Theo ông, địa điểm trên có diện tích nhỏ và nằm trong một vùng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng băng tan gần đây.