Chim cánh cụt hoàng đế là loài chim cánh cụt lớn nhất thế giới và là một trong hai loài chim cánh cụt đặc hữu của Nam Cực, sinh con vào mùa Đông và biển phải đóng băng cứng từ tháng 4 cho đến tháng 12 để làm tổ cho cánh cụt non. Nếu biển đóng băng muộn hơn hoặc tan băng sớm, gia đình chim cánh cụt hoàng đế không thể hoàn thành chu kỳ sinh sản của mình. Nếu chim cánh cụt non bị ngập nước, chúng có thể chết vì lạnh hoặc bị chìm vì chưa biết bơi và chưa phát triển được bộ lông không thấm nước.
Theo nhà sinh học Marcela Libertelli thuộc IAA, vốn đã nghiên cứu 15.000 con chim cánh cụt ở Nam Cực, điều này đã từng xảy ra tại Vịnh Halley trên Biển Weddell - nơi có cộng đồng chim cánh cụt hoàng đế lớn thứ hai thế giới. Trong vòng 3 năm, toàn bộ chim cánh cụt non mới sinh tại đây đã chết.
Cứ tháng 8 hằng năm, mỗi ngày ông Libertelli và các nhà khoa học khác lại di chuyển 65 km bằng xe trượt tuyết, trong cái lạnh âm 40 độ C để tiếp cận "địa bàn" sinh sống của chim cánh cụt hoàng đế. Tại đây, họ đếm, cân và đo chim cánh cụt non, thu thập tọa độ địa lý và lấy mẫu máu. Kết quả cho thấy nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được cải thiện, tương lai của chim cánh cụt hoàng đế sẽ lâm nguy.
Các nhà khoa học dự báo khu vực sinh sống của chim cánh cụt hoàng đế ở vĩ độ 60 và 70 độ sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới, cụ thể là trong 30-40 năm tới. Không chỉ đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu, du lịch và đánh bắt cá gia tăng ở Nam Cực cũng đẩy tương lai của chim cánh cụt hoàng đế đứng trước những rủi ro, do nguồn thức ăn cho chim cánh cụt và các loại khác bị ảnh hưởng.
Ông Libertelli khẳng định bất kỳ loài nào, dù là động vật hay thực vật, biến mất cũng đều là bi kịch đối với hành tinh. Loài chim cánh cụt hoàng đế tuyệt chủng sẽ tác động mạnh đến Nam Cực. Đầu tháng 4 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo nhiệt độ ngày càng khắc nghiệt cùng với mưa bất thường và băng tan tại Nam Cực là xu hướng đáng lo ngại.