Phát biểu tại Hội thảo Tội phạm mạng quốc tế lần thứ 5 diễn ra ở thủ đô Ankara, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết theo các số liệu cảnh sát thu thập được, có tổng cộng 92.702 người dùng cá nhân và 215.092 tài khoản ByLock được cho là do các thành viên FETO sử dụng.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu, thông qua ứng dụng này, các thành viên của FETO không chỉ truyền virus vào máy vi tính mà còn tiến hành các cuộc tấn công mạng khi kích hoạt loại virus này.
Cũng trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu khẳng định các thành viên của FETO đã sử dụng ứng dụng ByLock để liên lạc trong và sau thời điểm diễn ra cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi năm 2016. Theo ông, cũng chính nhờ giải mã được phần mềm ByLock mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã xác minh được hàng nghìn người bị coi là "điệp viên ngầm" của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, bao gồm quân đội, cảnh sát và tư pháp.
Chính quyền Ankara cáo buộc FETO và giáo sĩ Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, đứng đằng sau vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan hồi giữa tháng 7/2016, làm 251 người chết và hơn 2.200 người bị thương. Kể từ sau cuộc đảo chính, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 160.000 đối tượng tình nghi liên quan, trong đó hơn 50.000 người đã chính thức bị buộc tội và đang bị giam giữ để phục vụ điều tra. Ngoài ra, hơn 150.000 người bị sa thải hoặc đình chỉ công tác, trong đó có nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, viên chức. Chính quyền Ankara khẳng định việc bắt giữ và sa thải những đối tượng liên quan là cần thiết để loại bỏ sự xâm nhập của mạng lưới do giáo sĩ Gulen đứng đầu vào các cơ quan của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, giáo sĩ Gulen luôn bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính năm 2016.