Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, dự luật mới nhằm vào các công ty truyền thông mạng xã hội là một phần hệ quả của vụ xả súng tại thành phố Christchurch, New Zealand ngày 15/3 vừa qua khiến hàng chục người thương vong. Tên sát nhân đã quay và phát trực tiếp quá trình gây ra vụ tấn công lên mạng xã hội Facebook. Đoạn video đó đã được phát trực tiếp trong 17 phút và bản gốc gốc vẫn được lưu trực tuyến trong hơn một giờ sau vụ tấn công.
Thủ tướng Scott Morrison và các bộ trưởng cấp cao của Australia ngày 26/3 đã có cuộc gặp với các công ty truyền thông xã hội để yêu cầu họ thực hiện các biện pháp ngăn chặn không để ngăn việc các mạng xã hội không bị khai thác như vậy thêm một lần nữa. Dự luật luật mới dự kiến sẽ được Chính phủ Australia trình lên Nghị viện ngay trong tuần tới. Thủ tướng Morrison cho biết đạo luật nhằm mục đích giữ an toàn cho người dân Australia bằng cách buộc các công ty truyền thông mạng xã hội phải có biện pháp ngăn chặn những kẻ khủng bố và tội phạm lan truyền những hành động bạo lực.
Ông nêu rõ Australia đã thành lập lực lượng đặc nhiệm giữa chính phủ và các công ty truyền thông xã hội để giải quyết tình trạng này và sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Hội nghị thưởng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) dự kiến diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 6 tới.
Các công ty như Facebook, Google - công ty sở hữu YouTube - sẽ phạm tội hình sự nếu không gỡ bỏ các đoạn phim trong thời gian sớm nhất. Bồi thẩm đoàn sẽ chịu trách nhiệm quyết định xem liệu nội dung này có được dỡ bỏ kịp thời hay không. Theo dự luật mới, các giám đốc điều hành có trụ sở tại Australia và ở nước ngoài có thể phải đối mặt với án tù 3 năm nếu bị kết tội và các công ty có thể bị phạt tới 10% doanh thu hàng năm. Dự luật được kỳ vọng sẽ gây được áp lực đủ lớn để các công ty công nghệ có biện pháp cải thiện hệ thống. Dự luật này cũng quy định các công ty truyền thông mạng xã hội phải thông báo cho cảnh sát liên bang Australia bất cứ khi nào dịch vụ của họ được sử dụng để phát sóng trực tiếp bạo lực diễn ra tại quốc gia này.
Hôm 15/3 vừa qua, vụ thảm sát kinh hoàng nhất tại New Zealand đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của 50 người tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch. Nghi can chính là Brenton Harrison Tarrant, công dân Australia, 28 tuổi. Việc đoạn video ghi lại toàn cảnh vụ tấn công được sao chép và đăng lại trên nhiều nền tảng khác trên mạng như Reddit, Twitter hay Youtube, cũng như lan truyền trong các "ngóc ngách" khác trên Internet đã khiến các công ty công nghệ đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ khi không thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời việc phát tán các nội dung mang tính bạo lực, thù địch. Trong khi đó, Facebook khẳng định đã "nhanh chóng" gỡ bỏ 1,5 triệu video sau khi vụ tấn công xảy ra.