Trong một tuyên bố, ông Amjad Farid, người phát ngôn Hiệp hội Nhà nghề Sudan (SPA), lực lượng đầu tiên phát động làn sóng biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất Tổng thống Omar al-Bashir hồi tháng 4, tuyên bố các phe nhóm biểu tình sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ phi bạo lực và bất tuân dân sự nhằm phản kháng TMC. Phe biểu tình cũng yêu cầu TMC tiến hành giải trình và đưa những người mà phe này cho là đã sử dụng bạo lực giải tán các cuộc biểu tình ngồi kéo dài bên ngoài trụ sở quân đội tại thủ đô Khartoum ra trước pháp luật.
Động thái trên diễn ra sau khi TMC cho biết sẵn sàng đàm phán với các nhóm biểu tình mà không kèm bất kỳ điều kiện nào. Theo TMC, hội đồng này cũng đã bắt đầu tiến hành một "cuộc điều tra khẩn cấp và minh bạch" đối với các cuộc bạo lực gần đây và bất kỳ ai vi phạm cũng sẽ bị trừng trị.
Các phe nhóm biểu tình cáo buộc TMC đã sử dụng bạo lực giải tán cuộc biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 3/6, song TMC đã bác bỏ cáo buộc trên. Hai bên cũng đưa ra số người thiệt mạng trái ngược nhau. Hãng thông tấn nhà nước Sudan SUNA dẫn lời một quan chức y tế cho biết ít nhất 46 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ gần đây, trong khi phe biểu tình cho rằng số người thiệt mạng đã lên tới 101 người.
An ninh đã được thắt chặt tại nhiều khu vực ở Sudan trong bối cảnh người dân bắt đầu tham gia lễ Eid al-Fitr - đánh dấu tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo kết thúc. Các nhân chứng cho biết hàng trăm người ở phía Bắc Khartoum đã phong tỏa các tuyến đường ở khu vực này. Nhiều tiếng súng nổ cũng đã vang lên.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), trước tình hình hiện nay tại Sudan, LHQ đang tạm thời điều chuyển một số cán bộ, nhân viên không quan trọng của mình ra khỏi Sudan. Tuy nhiên, người phát ngôn của LHQ, bà Eri Kaneko cho biết tất cả hoạt động của LHQ ở Sudan vẫn được duy trì. Hiện chưa có thông tin về số cán bộ nhân viên LHQ sẽ chuyển khỏi Khartoum - nơi có sự hiện diện của 27 cơ quan LHQ, hầu hết làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo. LHQ cũng có phái bộ gìn giữ hòa bình cùng Liên minh châu Phi ở Darfur, với khoảng 7.200 binh sĩ quân đội và cảnh sát đóng quân ở đây.
Cùng ngày, Mỹ cũng kêu gọi các bên tại Sudan kiềm chế, nối lại đàm phán, đồng thời chỉ trích các vụ tấn công khiến nhiều người thiệt mạng. Bên cạnh đó, Washington còn cho biết đã đóng cửa đại sứ quán và cảnh báo công dân nước này ở Sudan cần "hết sức thận trọng" và cần lên kế hoạch rời khỏi Sudan. Trước đó, tháng 4 vừa qua, Mỹ cũng khuyến cáo công dân không nên đến Sudan nếu không thực sự cần thiết, đề nghị các nhân viên không giữ trọng trách tại đại sứ quán ở Khartoum rời khỏi nước này.
Anh cũng đã rút các nhân viên không có nhiệm vụ quan trọng và thân nhân ở đại sứ quán nước này tại Sudan về nước, khuyến cáo người dân không nên đến các khu vực miền Nam và miền Tây Sudan. Theo tuyên bố của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh, các công dân nước này ở Sudan cần đánh giá cẩn thận tình hình, hết sức cẩn trọng và tránh xa các cuộc biểu tình và khu vực tập trung đông người.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Sudan, ủng hộ việc các bên ở Sudan tiếp tục tham gia đối thoại. Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Ai Cập EgyptAir đã hủy bỏ 2 chuyến bay từ Cairo đến Khartoum trong ngày 5 và 6/6 do lo ngại bạo lực.
Kể từ khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị phế truất hôm 11/4, an ninh tại nước này vẫn bất ổn và hàng nghìn người dân tiếp tục biểu tình đòi TMC chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước. Người biểu tình và TMC đã nhiều lần đàm phán nhưng chưa thống nhất được về những nội dung cơ bản của việc thành lập Hội đồng chuyển tiếp hỗn hợp, một bước đệm để quân đội chính thức chuyển giao quyền lãnh đạo. TMC muốn nắm quyền kiểm soát hội đồng chuyển tiếp này, trong khi lực lượng biểu tình muốn đa số thành viên hội đồng thuộc phía dân sự.