Người đứng đầu TMC, Tướng Abdel Fattah al-Burhan ngày 5/6 đã đưa ra tuyên bố trên trong thông điệp đánh dấu lễ Hồi giáo Eid al-Fitr.
Trước đó, ngày 4/6, Tướng al-Burhan tuyên bố TMC quyết định chấm dứt những thỏa thuận đã đạt được với người biểu tình về giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 9 tháng tới. Tuy nhiên, các lãnh đạo biểu tình kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục tham gia phong trào phản kháng nhằm lật đổ TMC, sau khi hội đồng này sử dụng bạo lực giải tán các cuộc biểu tình ngồi kéo dài bên ngoài trụ sở quân đội tại thủ đô Khartoum ngày 3/6 khiến 60 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Hiệp hội Nhà nghề Sudan (SPA), lực lượng đầu tiên phát động làn sóng biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất Tổng thống Omar al-Bashir hồi tháng 4, đã bác bỏ kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử của TMC, cho rằng hội đồng này không có quyền quyết định số phận của người dân cũng như tiến trình chuyển tiếp sang một chính phủ dân sự tại Sudan. SPA cũng chỉ trích TMC sử dụng bạo lực để giải tán người biểu tình và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng làm việc với TMC.
Cũng trong ngày 4/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp kín về cuộc khủng hoảng ở Sudan. Tại cuộc họp, Đại sứ Đức tại HĐBA Christoph Heusgen hối thúc các bên ngay lập tức trở lại bàn đàm phán, đồng thời bác bỏ kế hoạch bầu cử của TMC vì cho rằng hiện tại Sudan không có đủ điều kiện để tổ chức bầu cử và kế hoạch của TMC “thiếu dân chủ”.
Cùng ngày, Mỹ, Anh và Na Uy đã ra tuyên bố chung chỉ trích kế hoạch tổ chức bầu cử của TMC và kêu gọi hội đồng này chuyển giao quyền lãnh đạo cho một chính phủ dân sự theo yêu cầu của người dân.
Kể từ khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị phế truất hôm 11/4, an ninh tại nước này vẫn bất ổn và hàng nghìn người dân tiếp tục biểu tình đòi TMC chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước. Người biểu tình và TMC đã nhiều lần đàm phán nhưng chưa thống nhất được về những nội dung cơ bản của việc thành lập Hội đồng chuyển tiếp hỗn hợp, một bước đệm để quân đội chính thức chuyển giao quyền lãnh đạo. TMC muốn nắm quyền kiểm soát hội đồng chuyển tiếp này, trong khi lực lượng biểu tình muốn đa số thành viên hội đồng thuộc phía dân sự.
Giới phân tích lo ngại những diễn biến trên sẽ đẩy Sudan vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa và một cuộc tổng tuyển cử diễn ra ở thời điểm hiện tại cũng khó có thể đảm bảo tính tự do và công bằng. Một số chuyên gia nhận định việc TMC kêu gọi bầu cử là một chiến thuật để phe biểu tình nhượng bộ trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa hai bên không đạt kết quả sau thời gian dài.