Ngày 5/2, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), thành phần chính trong Liên minh Dân tộc Syria đối lập, ngày 5/2 đã bác bỏ khả năng tiến hành bất cứ cuộc đối thoại nào với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad theo đề nghị của liên minh đối lập.Syria vẫn chìm trong bất ổn. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố của hội đồng trên nói SNC "từ chối mọi cuộc đối thoại và sẽ bảo vệ cách mạng khỏi nguy cơ trở thành con tin cho bất cứ cam kết quốc tế nào".
Đây bị xem là một bước lùi đối với tiến trình đàm phán chính trị tại Syria, sau khi có những hy vọng được nhen nhóm với tuyên bố tuần trước của Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria Ahmed Moaz al-Khatib nói sẵn sàng đối thoại với chính quyền của Tổng thống Assad với các điều kiện bao gồm việc thả 160.000 người bị giam giữ.
SNC cho rằng ông Khatib đã đưa ra một quyết định "mang tính cá nhân". Phát biểu trên của ông Khatib đang gây tranh cãi trong nội bộ Liên minh Dân tộc Syria. Khoảng 30 thành viên liên minh này đã gửi một bức thư tới ban lãnh đạo yêu cầu tiến hành một cuộc họp khẩn toàn bộ hội đồng 70 thành viên để thảo luận về đề xuất mà ông Khatib đưa ra.
Trong khi đó, một nhân vật đối lập hàng đầu ở trong nước là ông Hasan Abdul-Azim, thủ lĩnh Hội đồng Kết hợp quốc gia (NCB) hoan nghênh đề nghị của ông Khatib là "tích cực và dũng cảm", phù hợp với quan điểm của NCB. Ông Azim cho rằng kêu gọi của Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria là khả thi và có thể tiến hành song song với những nỗ lực quốc tế đang được đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ)-Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi thúc đẩy.
Cùng ngày 5/2, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi của ông Khatib về đối thoại với chính quyền Damascus nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria. Ông Arabi bày tỏ hy vọng "chính quyền Syria sẽ phản hồi tích cực với lời đề nghị" của ông Khatib, đồng thời đề xuất đóng vai trò trong các cuộc thương lượng về chuyển giao dân chủ ở Syria.
Tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 6/2 sẽ diễn ra hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), với nội dung dự kiến tập trung thảo luận cách thức chấm dứt tình trạng xung đột đẫm máu ở Syria. Hãng tin Anh Reuters dẫn một dự thảo tuyên bố chung của các Ngoại trưởng 56 nước thành viên OIC lên án tình trạng bạo lực tại Syria và yêu cầu chính quyền Damascus tiến hành đàm phán về một thời kỳ chuyển giao chính trị. Dự thảo cũng công nhận Liên minh Dân tộc Syria đối lập và kêu gọi lực lượng này đẩy nhanh việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp để "sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm đầy đủ cho đến khi hoàn tất tiến trình thay đổi chính trị".
TTXVN/ Tin tức