Sau khoảng 2 năm được cho là bình lặng, tình hình chính trị tại Thái Lan bỗng nổi sóng, với hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn của cả hai phe chống đối và ủng hộ chính phủ, được cho là lớn nhất từ năm 2010 - thời điểm Thái Lan rơi vào bất ổn với làn sóng đụng độ bạo lực làm hơn 90 người thiệt mạng. Bất ổn lần này có đặc điểm gì nổi bật? Chính trường Thái Lan sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi được dư luận quan tâm.
Tính chất các cuộc biểu tình
Bất ổn chính trị tại Thái Lan bắt nguồn từ việc chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra tìm cách thông qua dự luật ân xá gây tranh cãi. Phe đối lập xem đây là nỗ lực của đảng Puea Thai cầm quyền nhằm xóa tội đối với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, mở đường để ông trở về nước không phải chịu án tù, sau một thời gian dài sống lưu vong. Dự luật trên sau đó được Thượng viện Thái Lan gác lại, nhưng phe đối lập vẫn phát động các cuộc biểu tình quy mô lớn, lên đến cả 100.000 người dưới sự dẫn dắt của của ông Suthep Thaugsuban, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan, nghị sĩ đảng Dân chủ.
Hàng nghìn người "áo đỏ" tuần hành tại Bangkok ủng hộ chính phủ ngày 30/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Trên đường phố, có vẻ như lực lượng của ông Suthep đang áp dụng lại chính kịch bản mà Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) - tức phe “áo đỏ” ủng hộ ông Thaksin từng tiến hành hồi năm 2010 nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Người biểu tình phe đối lập bao vây, chiếm giữ trụ sở của nhiều bộ, ngành, cơ quan của chính phủ như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp... Trong Quốc hội, đảng Dân chủ của ông Abhisit có mối liên hệ với lực lượng chống chính phủ cùng lúc phát động cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Yingluck, được thảo luận và tiến hành trong hai ngày 27-28/11. Các cáo buộc được đưa ra là: bà Yingluck yếu kém trong lãnh đạo, điều hành đất nước, lạm dụng quyền lực, thất bại trong bài trừ tham nhũng, để nền kinh tế Thái Lan tụt dốc...
Về phần mình, sau dự luật ân xá đầy mạo hiểm, Thủ tướng Yingluck đã có sự điều chỉnh hợp lý, vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo. Ngày 25/11, chính quyền tuyên bố áp đặt Luật An ninh nội địa tại thủ đô Bangkok và vùng phụ cận, tiếp sau đó đề nghị phê chuẩn lệnh bắt ông Suthep được gửi tới tòa án hình sự. Bên cạnh đó, bà Yingluck khẳng định chính phủ sẽ không sử dụng bạo lực, kêu gọi người dân tôn trọng luật pháp, không biểu tình trái phép. Ngày 27/11, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố sẵn sàng đàm phán với phe đối lập để tìm ra một giải pháp hòa bình, chấm dứt bất ổn chính trị. Ngày 28/11, Thủ tướng Yingluck đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Làn sóng biểu tình quy mô lớn đã diễn ra gần 1 tuần qua. Nhưng có vẻ như phe đối lập đã không có được tính chính danh và sự tường minh cần thiết, thể hiện qua sự thiếu nhất quán ở mục đích trong hành động. Đầu tiên, ông Suthep kêu gọi biểu tình để phản đối dự luật ân xá, sau chuyển sang diệt trừ “bộ máy chính quyền” của ông Thaksin, loại trừ “hội chứng Thaksin” trong đời sống xã hội Thái Lan và cuối cùng là yêu sách lật đổ bà Yingluck, đảng Puea Thai, lập ra “hội đồng nhân dân” có thực quyền chọn ra một Thủ tướng và Nội các mới. Đâu đó đã xuất hiện đánh giá về những động cơ ẩn kín của phe đối lập trong cuộc đấu tranh này. Theo đó, ông Suthep và những người cùng phe hiểu rằng, tại thời điểm hiện nay và trong một vài năm tới, ít có đảng nào, kể cả đảng Dân chủ, có khả năng lật ngược thế cờ, lên nắm quyền qua bầu cử, vì ảnh hưởng của đảng Thai Rak Thai trước đây và Puea Thai hiện nay đã ăn sâu vào nhận thức của tầng lớp nông dân, người lao động vốn chiếm số đông trong xã hội Thái Lan. Đấu tranh chính trị phi nghị trường được phe đối lập xem là cách để khẳng định tiếng nói, tầm ảnh hưởng của mình.
Hoài Thanh