Philippines ngày 16/11 xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong siêu bão Haiyan đã tăng lên 3.633 người, 1.179 người vẫn mất tích và ít nhất 12.487 người bị thương.
Những người sống sót sau bão Haiyan rời khỏi thành phố Tacloban ngày 14/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo cơ quan trên, cơn bão Haiyan đổ bộ vào nước này ngày 8/11 vừa qua đã làm gần 2 triệu người bị mất nhà cửa và ảnh hưởng đến 9 triệu người tại hơn 9.000 ngôi làng ở 44 tỉnh.
Tổng cộng hiện có gần 87.000 gia đình vẫn đang phải sống tạm bợ tại các trung tâm sơ tán sau khi cơn bão phá hủy hoàn toàn hơn 160.000 ngôi nhà và làm hư hại 126.6 ngôi nhà.
Cùng ngày, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc đã đưa ra lời xin lỗi vì công bố báo cáo chưa chính xác một ngày trước đó, trong đó nêu con số người thiệt mạng do bão Haiyan lên tới 4.460 người.
Trong bối cảnh Chính phủ Philippines và các tổ chức nhân đạo đang kêu gọi khoản viện trợ 300 triệu USD để giúp các nạn nhân và tái thiết những vùng bị siêu bão tàn phá, cộng đồng quốc tế tiếp tục chung tay cứu trợ nạn nhân bão tại nước này.
Ngày 16/11, phát biểu với các phóng viên khi tham dự hội nghị những người đứng đầu chính phủ các nước thuộc khối Thịnh vượng chung (CHGM) tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, Thủ tướng Anh David Cameron thông báo Anh viện trợ bổ sung 30 triệu bảng (tương đương 48 triệu USD) cho công tác cứu trợ tại Philippines.
Chính quyền London cũng đã gửi một tàu sân bay IMS Illustrious tới Philippines để hỗ trợ công tác cứu hộ và đang triển khai máy bay vận tải RAF C-130 tới quốc gia Đông Nam Á này. Trước đó, Anh đã cam kết viện trợ 23 triệu bảng (gần 37 triệu USD) cho Philippines để khắc phục hậu quả bão Haiyan.
Bên cạnh đó, Nhóm Giảm nhẹ thiên tai Nhật Bản gồm 25 nhân viên y tế đã triển khai công tác khám chữa bệnh cho các cư dân thành phố Tacloban trên đảo Leyte, miền Trung Philippines, địa phương bị tàn phá nặng nề nhất.
Điều đặc biệt là các nhân viên y tế Nhật Bản đã mang theo thiết bị chụp X-quang di động không dây kết nối với máy tính bảng - một công nghệ được phát triển sau thảm họa sóng thần giáng xuống Nhật Bản hồi tháng 3/2011. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, một thiết bị như vậy được sử dụng tại khu vực chịu thảm họa.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang phái 3 tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và 1.180 binh sĩ SDF tới đảo Leyte để hỗ trợ công tác cứu trợ.
TTXVN/Tin tức