Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 83 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 54.621 người.
Bộ trưởng Y tế Francisco Duque nhận định nguy cơ dịch bệnh COVID-19 trên cả nước Philippines duy trì ở mức trung bình, nhưng riêng 4 khu vực ở miền Nam nước này vẫn ở mức cao. Trong khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte nhắc lại lời kêu gọi người dân nước này đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Philippines đã chứng kiến 4 làn sóng dịch bệnh kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020. Số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay ghi nhận vào ngày 15/1 vừa qua với 39.004 ca mắc mới.
* Giới chức Indonesia ngày 8/2 cho biết chính phủ nước này chưa “kéo phanh gấp” bằng cách áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp dù số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang tăng vọt.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Abraham Wirotomo, một quan chức Văn phòng Phủ Tổng thống (KSP) khẳng định: “Số liệu thống kê hằng tuần mới nhất cho thấy tỷ lệ sử dụng giường bệnh (BOR) vẫn đang được kiểm soát rất tốt mặc dù số ca mắc mới tăng mạnh. Do vậy, phanh khẩn chưa cần phải sử dụng”.
Ông Abraham cho rằng sự chuẩn bị của Chính phủ Indonesia để ứng phó với làn sóng lây lan dịch COVID-19 do biến thể Omicron tốt hơn trước đây vì luôn có sự tham gia của các chuyên gia và dựa vào các dữ liệu cũng như các nghiên cứu khoa học. Ông Abraham cho hay xét thấy mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron nhẹ hơn so với biến thể Delta, chính phủ đã ưu tiên tự cách ly và cách ly tập trung đối với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, đồng thời dành giường bệnh để điều trị cho người già hoặc những người mắc bệnh nền. Tuy nhiên, ông Abraham khẳng định cấp độ áp dụng PPKM sẽ được điều chỉnh dựa vào đánh giá đối với từng khu vực, trong đó có các chỉ số về BOR và kết quả tiêm chủng. Ông cho biết Tổng thống Joko Widodo hôm 7/2 đã chỉ đạo tăng tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và siết chặt các quy trình y tế.