Phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc FDA của Philippines - ông Rolando Enrique Domingo cũng cho biết nước này đang xem xét cấp phép tương tự đối với vaccine do công ty Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc phát triển. Tính đến sáng 14/1, Philippines ghi nhận 492.700 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 9.699 ca tử vong.
Trong khi đó, Jordan đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong đó ưu tiên cho các nhân viên y tế, những người có bệnh mãn tính và những người trên 60 tuổi.
Những mũi vaccine đầu tiên đã được tiêm cho các nhân viên y tế tại các bệnh viện và các cơ sở y tế khác, sau khi nhà chức trách lập 29 trung tâm tiêm chủng trên khắp cả nước, trong đó thủ đô Amman có 9 điểm tiêm chủng.
Ông Wael Hayajneh, Vụ trưởng Vụ Phòng chống dịch và các bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Jordan, cho biết nước này là một trong số "40 quốc gia đầu tiên được tiêm" vaccine ngừa COVID-19. Ông khuyến nghị "mọi người dân đều nên tiêm phòng vaccine vì đây là giải pháp đáng tin cậy duy nhất để chấm dứt dịch COVID-19".
Cuối tuần trước, Jordan thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc). Đây là vaccine thứ hai được nước này phê chuẩn sau vaccine của Pfizer/BioNTech. Tới nay, Jordan đã ghi nhận 310.9 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.091 ca tử vong. Nước này cũng đã phát hiện 5 trường hợp mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vốn xuất hiện đầu tiên tại Anh.
Trong bối cảnh số ca mắc mới ghi nhận theo ngày đã giảm đáng kể, ngày 13/1, Thủ tướng Jordan Bisher al-Khasawneh cho biết nước này sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19, trong đó bao gồm cả lệnh giới nghiêm trong các ngày thứ Sáu hằng tuần và các trường học sẽ được mở cửa trở lại từ tháng tới. Ưu tiên của Chính phủ Jordan hiện nay là cung cấp vaccine miễn phí cho công dân Jordan và người nước ngoài đang sống tại nước này, chiếm khoảng 1/4 trong dân số 10 triệu người của Jordan hiện nay.