Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tuyên bố của bà Mohammed - người cũng đang giữ chức Chủ tịch Nhóm Phát triển bền vững của LHQ, được đưa ra tại hội nghị đầu tiên tại thủ đô Kinshasa của CHDC Congo nhằm chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27).
Trong bài phát biểu của mình, Phó TTK LHQ lưu ý rằng, vào năm ngoái, các quốc gia phát triển đã hứa sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho các chương trình thích ứng với khí hậu lên mức 40 tỷ USD/năm đến năm 2025. Theo bà Mohammed, con số 40 tỷ USD chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 300 tỷ USD hàng năm mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2030.
Năm 2009, các nước phát triển đã cam kết phân bổ 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, tuy nhiên cam kết này đã không được thực hiện một cách đầy đủ.
Phó TTK LHQ hối thúc cần phải đạt được những tiến bộ có ý nghĩa để giải quyết những mất mát và thiệt hại liên quan đến khí hậu, nhấn mạnh thêm rằng việc tài trợ cho những tổn thất và thiệt hại là một vấn đề không thể trì hoãn được nữa.
Bà Mohammed cũng kêu gọi các nước hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nỗ lực của LHQ nhằm đảm bảo rằng các hệ thống cảnh báo sớm đối với biến đổi khí hậu có phạm vi phủ sóng toàn cầu 100% trong vòng 5 năm tới. Theo Phó TTK LHQ, 60% dân số châu Phi không được tiếp cận với hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả - một công cụ cơ bản nhất để cứu sống và bảo vệ sinh kế của người dân.
Cũng tại sự kiện ở Kinshasa, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, người đồng thời là Chủ tịch được chỉ định của COP27, cũng kêu gọi các nước phát triển tôn trọng các cam kết về khí hậu để tránh phá vỡ bầu không khí đáng tin cậy của Hội nghị COP27.
Phát biểu trước hơn 60 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới, ông Shoukry tuyên bố rằng các nước công nghiệp phát triển vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết tài trợ hàng năm 100 tỷ USD, cho biết thêm bản thân cam kết này là biểu tượng của trách nhiệm và sự tin cậy.
Theo kế hoạch, Ai Cập sẽ đăng cai COP27 từ ngày 6-18/11 tại thành phố nghỉ mát Sharm El-Sheikh bên bờ Biển Đỏ. Ngày 3/10, đại diện đặc biệt của Ai Cập Wael Aboulmagd cho biết khoảng 90 nguyên thủ quốc gia đã xác nhận tham dự hội nghị. Các chủ đề được thảo luận tại các hội nghị bàn tròn của các nhà lãnh đạo, diễn ra vào ngày 7-8/11, bao gồm việc phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo và các cộng đồng dễ bị tổn thương. Những chủ đề này phản ánh một số ưu tiên của Ai Cập khi nước này cố gắng thúc đẩy lợi ích của các quốc gia đang phát triển cũng như nhu cầu tài chính thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.