Theo Cục Cứu hỏa và Cứu nạn Malaysia, hầu hết số vụ đuối nước tại nước này xảy ra trong các dịp lễ hội và nhất là trong thời gian học sinh được nghỉ học. Thống kê cho thấy, số nạn nhân đuối nước tại Malaysia cao gấp 3 lần số nạn nhân hỏa hoạn. Trong đó, nạn nhân là học sinh chiếm tỷ lệ đáng lo ngại.
Các vụ đuối nước được ghi nhận trên toàn quốc, song một số bang thường xảy ra hơn là Selangor, Sarawak, Sabah và Perak. Các địa điểm xảy ra đuối nước bao gồm: bờ biển, thác nước, sông và các thùng vũng nước tạo thành do khai thác mỏ hoặc do mưa lũ.
Về mặt địa hình, Malaysia không có hệ thống sông ngòi chằng chịt như Việt Nam. Tuy nhiên, nước này lại có biển trải dài và bao quanh phần lớn đất nước, do đó người dân tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đều có thể dễ dàng tiếp cận và nghỉ ngơi tại các khu vực ven biển.
Với điều kiện thời tiết có nắng quanh năm, người dân Malaysia đi biển hằng tuần. Bên cạnh đó, ở các thành phố, các khu chung cư hầu như đều có bể bơi phục vụ nhu cầu của người dân. Do vậy, các hoạt động liên quan đến nước diễn ra thường xuyên và liên tục. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn của nạn đuối nước tại Malaysia.
Để đối phó với vấn nạn này, các cơ quan chức năng của Malaysia, nhất là Cục Cứu hỏa và Cứu nạn, đã tích cực vào cuộc. Theo Tổng Giám đốc Cục Cứu hỏa và Cứu nạn Mohammad Hamdan Wahid, các biện pháp phòng tránh và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là hai nội dung quan trọng nhất. Bên cạnh đó, Cục còn đề xuất luật hóa các hoạt động liên quan đến nước.
Dạy bơi cho học sinh, thanh thiếu niên được Malaysia coi là một trong những biện pháp phòng tránh đuối nước cơ bản. Không chỉ tại các thành phố, ở các vùng nông thôn cũng có khá nhiều cơ sở dạy bơi. Gần đây, Bộ Giáo dục nước này còn đề xuất các khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí… có trang bị bể bơi hỗ trợ công tác dạy bơi cho học sinh.
Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về vấn đề đuối nước, Cục Cứu hỏa và Cứu nạn Malaysia thường xuyên tiến hành các chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn, nhất là vào thời điểm trước và trong các kỳ nghỉ của học sinh hằng năm. Cục phối hợp với các nhà trường tiến hành phát tài liệu, sách báo… về đuối nước đến tận lớp học và phụ huynh học sinh. Trong giảng dạy, các giáo viên cũng lồng thêm nội dung phòng chống đuối nước để học sinh có ý thức hơn về vấn đề này.
Cục Cứu hỏa và Cứu nạn cũng phối hợp với Bộ Giáo dục biên soạn các tài liệu hướng dẫn cách cứu người bị đuối nước một cách an toàn. Những kỹ năng cụ thể như tóm tóc, giữ người đuối nước nằm ngửa, tránh bị người đuối nước túm chặt… được hướng dẫn một cách tỉ mỉ, rất bổ ích cho các em học sinh và cả các phụ huynh.
Một điểm đáng chú ý trong nội dung hướng dẫn, đó là người học được khuyên không nên mạo hiểm cứu người bị đuối nước nếu chưa thành thục kỹ năng cứu người, kể cả đối với những người biết bơi. Trong những trường hợp này, thay vì cố gắng cứu người đuối nước, họ được khuyên hãy nhanh chóng tìm các cách khác, như tìm kiếm các can nhựa, cây khô, dây thừng… xung quanh để giúp người bị đuối nước có phương tiện tiếp cận bờ một cách nhanh nhất.
Cơ quan chức năng Malaysia còn có quy định chi tiết về việc sử dụng áo phao, phao bơi, theo đó, những người sử dụng phương tiện giao thông đường thủy đều phải được cung cấp loại trang bị này đi kèm nhằm phòng tránh những nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Cục Cứu hỏa và Cứu nạn liên tục thống kê, cập nhật các địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước, làm cơ sở đưa ra cảnh báo cho người dân. Cho đến nay, Cục đã xác định được 19 địa điểm có nguy cơ cao trên toàn quốc. Trong số đó có thác nước Sungai SKC Kg Timah và Sungai Sendat ở bang Selangor, thác nước Lata Berembun ở Raub, bang Pahang, bãi biển Pantai Nipah ở bang Kelantan, Teluk Bahang ở bang Penang, hay Sungai Kg Batu Payung ở Tawau, bang Sabah… Cục phối hợp với Hội đồng An toàn hoạt động dưới nước (MKAA) thường xuyên tiến hành tuần tra tại các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời nhắc nhở người dân tăng cường cảnh giác, phòng ngừa.