Lật mở những tấm hình về thời thơ ấu, Xiaogunzhu bị thu hút bởi hình ảnh của một bé trai con lai người Pháp và Ireland với đôi mắt màu xanh thẫm. Tuy nhiên, không phải cô muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ về quyển album ảnh gia đình của người bạn trai, thực chất cô đang tìm kiếm người hiến tinh trùng tiềm năng trong quyển catalogue. Người phụ nữ 39 tuổi này là một trong những cô gái độc thân giàu có ở Trung Quốc muốn sinh con, song lại không muốn lấy chồng.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Xiaogunzhu đã chọn người số 14471 trên website của một ngân hàng tinh trùng ở California, Mỹ. Cô liền bay đến đây để thực hiện vòng điều trị đầu tiên. “Nhiều phụ nữ không muốn kết hôn nên họ không thể thực hiện sứ mệnh sinh học cơ bản này. Nhưng tôi đã tìm thấy hướng đi”, Xiaogunzhu nói. Con của cô, hiện 9 tháng tuổi, được đặt tên là Oscar theo một nhân vật trong truyện về Cuộc cách mạng Pháp nhằm cảm ơn người hiến tặng tinh trùng.
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã giảm trong vòng 5 năm qua. Theo số liệu chính thức, năm ngoái, chỉ có 7,2/1.000 người lập gia đình. Nhà xã hội học Sandy To giải thích rằng nhiều phụ nữ học rộng tài cao đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi tìm kiếm bạn đời, bởi nam giới khó thể chấp nhận người có học vấn cùng khả năng kiếm tiền giỏi hơn họ.
Xiaogunzhu tin rằng vai trò của người bố là không cần thiết. Bố của cô là mẫu người thích kiểm soát và thường xuyên nổi nóng. “Sao ai cũng nghĩ rằng lũ trẻ lớn lên sẽ hỏi: Vì sao con không có bố?”, cô bất bình.
Giới phân tích dự đoán ngành dịch vụ thụ tinh nhân tạo tại Trung Quốc sẽ đạt 1,5 tỷ USD năm 2022, nhiều gấp đôi giá trị năm 2016. Nhu cầu làm dịch vụ ở nước ngoài đối với công dân Trung Quốc cũng bùng nổ.
Ngân hàng trứng và tinh trùng Cryos International ở Hà Lan đã mở một trang web tiếng Trung và tuyển nhân viên nói tiếng Trung để phục vụ khách hàng ở thị trường tiềm năng này. Các ngân hàng tinh trùng ở Mỹ và châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng lượng khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, hành trình xuất ngoại để thụ tinh nhân tạo không hề rẻ và dễ dàng.
Bộ Y tế Trung Quốc quy định mục đích của các ngân hàng tinh trùng là để điều trị vô sinh và phòng ngừa bệnh di truyền. Trên thực tế, quy định này cản trở phụ nữ độc thân sử dụng chúng. Ông Liu Jiaen, giám đốc một bệnh viện sản tại Bắc Kinh chia sẻ: “Chúng tôi muốn giúp phụ nữ độc thân song không may là chúng tôi bị hạn chế”.
Cái giá để mang thai một đứa trẻ thông qua ngân hàng tinh trùng nước ngoài khởi điểm từ 200.000 Nhân dân tệ (hơn 600 triệu đồng). Nữ khách hàng cần phải ra nước ngoài làm thủ thuật y tế, trong khi luật pháp Trung Quốc cấm nhập khẩu tinh trùng người. Người phụ nữ cũng sẽ phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử. Trong văn hóa Trung Quốc, hôn nhân được cho là cần thiết để sinh ra một đứa trẻ.
“Nếu các ngân hàng tinh trùng và công nghệ liên quan như trữ trứng đông lạnh dễ dàng tiếp cận đôi với phụ nữ độc thân, nó sẽ là cách để đảm bảo khả năng sinh sản của chính bạn”, cô Alan Zhang, nhà hoạt động vì quyền sinh sản ở Bắc Kinh cho biết.
Tại Trung Quốc, người hiến tinh trùng phải giấu danh tính. Tuy nhiên, các ngân hàng tinh trùng quốc tế lại tiết lộ chi tiết màu tóc, ảnh thời nhỏ cùng nền tảng sắc tộc của người hiến. Carrie, một bà mẹ đơn thân 35 tuổi sống ở Tây Nam Trung Quốc cho hay: “Nếu bạn chọn sử dụng tinh trùng hiến tặng, tinh trùng thực chất đã trở thành một loại hàng hóa. Vì thế các ngân hàng ở nước ngoài biết cách chiều lòng khách hàng hơn”.
Ông Peter Reeslev, Giám đốc điều hành Cryos International, tiết lộ rằng phụ nữ Trung Quốc có xu hướng chọn người tặng tinh trùng gốc châu Âu nhiều hơn. Một phần nguyên nhân là do các ngân hàng ngoại quốc có ít người Trung Quốc tặng tinh trùng. Cryos chỉ có 9 người trong số 900 người hiến tặng là đàn ông Trung Quốc. Trong khi đó, ngân hàng California Cryobank ở Mỹ chỉ có 70 người hiến là người Trung Quốc.