Với khẩu hiệu “Đất đai có giá trị đích thực - hãy đầu tư vào đất”, Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6) năm 2018 kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay phục hồi đất suy thoái.
Các chuyên gia cảnh báo 1,5 tỷ người, chủ yếu ở những nước nghèo nhất, sẽ là nạn nhân của hiện tượng đất nông nghiệp bị thoái hóa và điều này sẽ làm nghiêm trọng hơn nữa tình trạng nghèo đói, đặc biệt ở Sahel và Nam Á - những nơi biến đổi khí hậu đang có những tác động nặng nề nhất.
Công ước Liên hợp quốc về Phòng chống sa mạc hóa (UNCCD) cảnh báo thoái hóa đất sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 23.000 tỷ USD vào năm 2050 nếu như tình trạng sử dụng vẫn diễn tiến như hiện nay. Cũng theo tổ chức này, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta áp dụng những biện pháp khẩn cấp để chặn đứng khuynh hướng đi xuống của đất trồng thì thiệt hại sẽ giảm còn khoảng 4.600 tỷ USD.
Đất kém màu mỡ, không thể đáp ứng nhu cầu lương thực ngày một gia tăng của con người còn là lý do dẫn tới bất ổn an ninh và những cuộc xung đột, như ở Sudan và Chad. Thư ký điều hành UNCCD Monique Barbut (Mô-ních Ba-bút) cảnh báo: “Khi diện tích đất trồng trọt màu mỡ ngày một ít đi và dân số thế giới tăng lên thì va chạm cũng tăng theo trên khắp thế giới. Để giảm thiểu thiệt hại, chúng ta cần lùi lại rồi suy nghĩ một lần nữa về cách chúng ta vượt qua áp lực về nhu cầu lương thực và tránh xung đột”. Nhiều thách thức cũng nảy sinh từ tình trạng này như vấn đề việc làm và di cư. Suy thoái đất cũng là mối đe dọa đối với nguồn cung nước uống, đối với đa dạng sinh học.
Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này bắt nguồn từ việc con người “vắt kiệt sức” làm việc của đất để sản xuất nông nghiệp. Việc thâm canh không khoa học, thu hoạch nhiều lần, sử dụng hóa chất trong trồng trọt để tăng sản lượng lên gấp ba và tăng diện tích đất trồng trọt lên gấp đôi so với 20 năm trước đã khiến đất nhanh chóng bị sa mạc hóa dẫn đến năng suất giảm trên toàn thế giới. Tính tới nay đã có 1/3 đất nông nghiệp trên toàn thế giới bị cằn cỗi. Khoảng 20% diện tích đất trồng trọt, 16% đất lâm nghiệp, 19% đồng cỏ… giảm năng suất. Nghiên cứu có tên “Triển vọng đất toàn cầu” công bố năm 2017 ước tính đất màu mỡ trên cả hành tinh này đang bị mất đi với tốc độ 24 tỷ tấn/năm và mất 15 tỷ cây cối/năm.
Những nguyên nhân trực tiếp làm suy thoái đất khác bao gồm tình trạng đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất năng lượng, khai khoáng..., tức là đều xuất phát từ hoạt động của con người. Nói cách khác, con người phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng suy thoái đất hiện nay.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang trở thành nguyên nhân khiến tình trạng thoái hóa đất gia tăng. Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học East Anglia cho thấy nếu như nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C, một phần lớn diện tích đất liền sẽ trở nên khô cằn và dần biến thành sa mạc, giống như Sahara. Những khu vực dễ bị hoang mạc hóa nhất bao gồm một phần Đông Nam Á, Nam Âu, miền Nam châu Phi, Trung Mỹ và miền Nam châu Đại Dương, với số dân lên tới 1,5 tỉ người, tương đương 20% dân số thế giới. Nếu nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ C, diện tích đất bị ảnh hưởng bởi quá trình khô hóa cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Châu Phi hiện là khu vực có tốc độ sa mạc hóa báo động, gấp đôi so với những năm 1970. Theo tính toán của Liên hợp quốc, nếu giữ nguyên tốc độ này, ước tính, đến năm 2025, sẽ có 2/3 diện tích đất canh tác ở châu Phi không còn sử dụng được, khoảng 750 triệu người trong khu vực sẽ phải sống ở vùng sa mạc. Tình trạng sa mạc hóa hiện khiến nền kinh tế châu Phi thiệt hại khoảng 9 tỉ USD mỗi năm.
Ngoài châu Phi, Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng đất cằn cỗi dần biến thành sa mạc. Châu Âu cũng có tới 970 triệu tấn đất sa mạc hóa do xói mòn và không hồi phục kịp sau thảm họa.
Theo Giám đốc điều hành Cơ chế toàn cầu UNCCD Juan Catlos Mendoza, những dữ liệu mới nhất cho thấy hiện có 169 nước đang bị tác động bởi đất thoái hóa và/hoặc hạn hán, trong số này, 116 nước đã cam kết hoàn thành mục tiêu ngăn chặn tình trạng đất xuống cấp. Trong số các quốc gia cam kết này có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nigeria, Nga và Nam Phi là những nước có dân số đông hàng đầu thế giới.
Trước mắt, 21 nước có tên trong danh sách đầu tiên sẽ thiết lập các mục tiêu và kết hợp các biện pháp thực hiện để phòng tránh, giảm thiểu và đảo ngược tình trạng đất thoái hóa. Chẳng hạn như nước Cộng hòa Trung Phi đã cam kết phục hồi hơn 1 triệu hécta đất, tương đương 15% lãnh thổ của họ, nhằm hạn chế nguy cơ đất xuống cấp và giảm thiểu gánh nặng cho nền kinh tế. Trong khi đó, Ethiopia đã khôi phục được diện tích 7 triệu héc-ta đất màu mỡ trở lại.
Tại châu Phi, 11 quốc gia trong khu vực châu Phi đã thực hiện một dự án lớn đầy tham vọng trong suốt 10 năm qua. Dự án 2 tỷ USD mang tên Bức tường xanh vĩ đại đã tạo ra một phòng tuyến cây dài 7.775 km trải dài qua lãnh thổ Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Sudan, Chad, Niger, Nigeria, Mali, Burkina Faso, Mauritania, và Senegal, che phủ được khoảng 800.000 héc-ta cây trồng. “Vạn lý trường thành xanh” với chiều rộng 15km này đã mang lại các hồ chứa nước, những ruộng rau xanh và cây ăn trái tại những ngôi làng dọc theo dải Sahel, trở thành vành đai bao bọc châu Phi chống lại tình trạng sa mạc hóa đất đai. Các dự án tương tự với quy mô nhỏ hơn cũng được thực hiện ở tỉnh Karbala của Iraq, khu vực Nội Mông của Trung Quốc, ...
Nói đến phục hồi đất suy thoái, không thể không nhắc đến Israel, được biết đến là đất nước duy nhất có khả năng biến sa mạc khô cằn thành đất canh tác, trồng trọt, phát triển nông nghiệp thành công và thay đổi nền nông nghiệp thế giới. Những công nghệ nổi bật của Israel có thể kể đến bao gồm hệ thống thu gom nước lũ học hỏi từ người Nabatean cổ đại, phát triển các nhà máy điện từ nguồn năng lượng mặt trời, nuôi cá trên sa mạc, công nghệ tưới nhỏ giọt, những giống cây thích hợp với môi trường sa mạc... Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3,5 tỷ USD nông sản và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Hầu hết thành công của Israel đến từ công nghệ xử lý nước thải đáng kinh ngạc. Khoảng 50% nước tưới tiêu là từ nước thải đã qua xử lý, vượt xa quốc gia có lượng nước thải tái sử dụng cao thứ 2 thế giới là Tây Ban Nha với 20%.
Tình trạng đất thoái hóa và sa mạc hóa vẫn đang diễn ra ở mức độ đáng báo động song các quốc gia trên thế giới cũng đang tăng cường nỗ lực để ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ trong tương lai. Thời gian tuy không còn nhiều, song không phải là quá muộn nếu cộng đồng thế giới cũng như từng cá nhân có đủ quyết tâm để phục hồi đất suy thoái. Như lời Thư ký điều hành UNCCD Monique Barbut nhấn mạnh: “Cuộc sống của chúng ta – trên đất liền – phụ thuộc và điều đó”.