Phương Tây lại giở “chiêu” cũ chống Nga

Không lâu sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích chống nhóm khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, mạng xã hội đã ngập tràn những cái được gọi là “bằng chứng” về việc Nga giết chết dân thường, rồi Nga không kích phe đối lập Syria.


Báo chí phương Tây chính thống không ngần ngại dùng ngay những thông tin không kiểm chứng đó để cáo buộc Nga. Đúng như những gì từng diễn ra ở miền Đông Ukraine, câu chuyện “chiến tranh thông tin” từ truyền thông phương Tây đang lặp lại để chống Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga thông báo không quân Nga đã thực hiện 20 chuyến xuất kích vào ngày đầu tiên của chiến dịch tại Syria, ném bom 8 mục tiêu của IS ở Syria, trong đó có kho vũ khí, kho nhiên liệu, trung tâm chỉ huy. Bộ này nhấn mạnh mọi mục tiêu đều cách xa khu vực đô thị.

Ảnh em bé Syria bị thương bên phải xuất hiện ngày 25/9 bị “xào” lại thành ảnh nạn nhân không kích của Nga ngày 30/9.

Cũng gần như đồng thời, thông tin cáo buộc Nga không ném bom khủng bố IS bắt đầu tràn ngập trên mạng xã hội. Thông tin này nói rằng máy bay chiến đấu của Nga tấn công khu vực dân cư, giết hại hàng chục dân thường. Thông tin kia nói không có IS hiện diện ở khu vực Nga tấn công và những vị trí đó thực ra là của “phe đối lập ôn hòa” tại Syria. Những thông tin trên “vô tình” lại quá hợp với “vai ác” mà Nga bị truyền thông phương Tây gán cho.

Thông tin Nga gây thương vong cho dân thường ở Syria phần lớn bắt nguồn từ các lực lượng đối lập Syria - phe được Mỹ hậu thuẫn và luôn cáo buộc Nga giúp Tổng thống Bashar al-Assad.

Như bức ảnh nhân viên cứu trợ Syria bế bé gái bị thương là một ví dụ. Bức ảnh này được gán cho dòng chú thích là bé gái bị thương trong cuộc không kích của Nga ở Homs khiến 33 dân thường thiệt mạng. Có điều là bức ảnh xuất hiện ngày 25/9, cả tuần trước khi Nga bắt đầu không kích ở Syria.

Nhiều đoạn video được cho là quay lại hậu quả các vụ ném bom của Nga ở Syria cũng xuất hiện trên mạng. Một kênh của phe đối lập Syria trên YouTube tên là “talbisa h” tung lên 30 video tại nhiều địa điểm khác nhau và nói rằng một vài trong số đó là hậu quả của hành động mà Nga gây ra. Đa số các kênh tin tức chính thống của phương Tây như CNN, Euronews và những hãng thông tấn như Reuters đã phát sóng các đoạn video dù cho biết họ không thể xác minh tính chính xác của thông tin. Ông Max Abrahams, giáo sư trợ lý thuộc Đại học Đông Bắc, nhận định với hãng tin RT của Nga: “Vấn đề là ai cũng thiên kiến khi nói về chiến dịch Syria. Điều đó đã bóp méo cách đưa tin của họ”.

Có hai khả năng giải thích cho việc chiến tranh thông tin nhằm vào Nga được phát động nhanh đến vậy. Thứ nhất, lực lượng vận động chống Nga hẳn phải có rất nhiều nguồn tin ở Syria và biết chính xác ai bị giết trong các cuộc không kích chỉ tích tắc sau khi bom rơi xuống, thậm chí trước khi bom kịp chạm mặt đất. Những người trên thực địa còn có kết nối wifi tốc độ cực nhanh ở vùng chiến sự để có thể tung ngay video về nạn nhân trong không kích của Nga. Thứ hai, những cáo buộc về Nga đã được viết sẵn, lưu lại và chỉ chờ để sẵn sàng tung lên mạng ngay khi quốc hội Nga vừa cho phép Tổng thống Nga dùng lực lượng quân sự ở Syria.

Cần phải lưu ý một điều quan trọng nữa. Mỹ luôn kêu ca là lực lượng “đối lập ôn hòa” ở Syria quá mỏng, thậm chí còn không tìm được đủ số lượng để huấn luyện. Bỗng nhiên, vào ngày mà Nga không kích IS, phe đối lập này lại nhiều đến mức xuất hiện ở mọi nơi mà Nga chạm tới. Trái lại, khi phương Tây luôn khẳng định khủng bố IS có mặt ở mọi nơi tại Syria thì đột nhiên sau khi Nga không kích, họ lại bảo những nơi mà Nga ném bom không có bóng dáng tay súng IS nào.

Ví dụ cụ thể nhất xảy ra ở al-Rastan tại tỉnh Homs. Hãng BBC của Anh dẫn lời những người họ gọi là “nhà hoạt động” nói rằng IS không có mặt ở khu vực này. Nhưng ngay tuần trước đó, hãng AFP lại dẫn nguồn tin của tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria nói rằng có 7 người đàn ông bị IS bắn chết ở al-Rastan vì bị cáo buộc là đồng tính.

Cuộc chiến chống IS của Nga ở Syria mới chỉ bắt đầu vài ngày nhưng khủng bố IS đã xáo trộn hàng ngũ và tháo chạy ở một số địa điểm. Trong khi đó, lực lượng hùng hậu 60 nước tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu không kích cả năm trời ở Syria mà không hề làm IS suy yếu. Theo ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Quốc hội Nga, chỉ có một điều giải thích đó là Mỹ không không kích IS hoặc nếu có thì chỉ như khói thoảng qua. Bằng chứng nằm ở những con số như: Mỹ chỉ thả 43 quả bom chống IS mỗi ngày từ đầu chiến dịch đến giờ. Nhưng năm 1991, Mỹ thả tới 6.163 quả bom/ngày vào Iraq và 1.039 quả năm 2003. Ở Bosnia, Mỹ cũng thả 60 quả bom/ngày năm 1995 dù Bosnia không gây đe dọa gì với Mỹ.

Với những phân tích đó, Nga cho rằng có một chiến dịch được đạo diễn bài bản để làm suy yếu vị trí của Nga trong cuộc xung đột ở Syria. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Mariya Zakharova cho biết: “Thông tin sai lệch và thiên lệch tràn ngập truyền thông khu vực và phương Tây. Đó là một cuộc tấn công thông tin, một cuộc chiến thông tin mà chúng tôi đã nghe quá nhiều. Rõ ràng là ai đó đã chuẩn bị rất kỹ cho vấn đề này”. Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Nga đã phải kêu gọi “Đừng trở thành nạn nhân của những thông tin đó”.

Gần đây nhất, năm 2014, Nga liên tục bị giới chức Ukraine và các nước bảo trợ cáo buộc xâm lược Ukraine. Ảnh tràn ngập mạng xã hội bị lấy ra làm bằng chứng cho hành động của Nga ở Ukraine. Hậu quả là nhiều lần phương Tây bị bẽ mặt khi các bức ảnh bị phát hiện là giả mạo.

Hiện chưa rõ bên nào sẽ thắng trong cuộc chiến thông tin này. Chỉ biết nếu dùng thông tin giả mạo để công kích, cáo buộc đối phương, chắc chắc “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Thùy Dương
Đô đốc Mỹ: Tên lửa có cánh Nga là mối đe dọa lớn
Đô đốc Mỹ: Tên lửa có cánh Nga là mối đe dọa lớn

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), Đô đốc William Gortney ngày 7/10 cho rằng tên lửa hành trình mới của Nga là "thách thức rất lớn" đối với khả năng phòng thủ của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN