Ngoài ra, phương Tây cũng đang xem xét đình chỉ tư cách thành viên của Moskva tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), để làm “vũ khí” trừng phạt Nga vì đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2.
Tuy nhiên, nhật báo Nga Nezavisimaya Gazeta đã có bài viết dẫn lời các chuyên gia cho rằng vòng trừng phạt mới này sẽ không gây ra bất cứ tác động mạnh nào đối với Moskva.
Giám đốc điều hành Bộ phận thị trường vốn tại công ty Univer Capital, ông Artem Tuzov, trong quyết định đình chỉ Nga khỏi WTO rõ ràng mang động cơ chính trị. Tuy nhiên, ông không coi các lệnh trừng phạt liên quan đến WTO là mối đe dọa cụ thể đối với Nga.
"Động thái thu hồi quy chế tối huệ quốc của Nga trong WTO thực tế sẽ không thay đổi gì đối với Nga. Nhiều thành viên WTO vốn đã hạn chế thương mại với Nga, các giao dịch tiền tệ cũng bị giới hạn”, ông Tuzov nói.
Theo chuyên gia này, trên thực tế, các quy tắc của WTO đã ngừng hoạt động đối với Nga từ năm 2014, khi các bên đã cố gắng buộc Moskva phải hạn chế nhập khẩu một số loại hàng hóa.
"Trong tình huống EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga, thực tế thì quy chế tối huệ quốc của Nga đã không còn hoạt động. Đây là lý do tại sao động thái này mang tính chính trị nhiều hơn và sẽ không để lại hậu quả”, một nguồn tin trong Chính phủ Nga tiết lộ với nhật báo trên.
Nhân vật này cho rằng điều quan trọng là các quốc gia sẽ triển khai biện pháp gì nhắm vào Moskva, sau khi đã thu hồi quy chế tối huệ quốc. Hiện vẫn chưa rõ phương Tây có tăng thuế nhập khẩu đối với tất cả các hàng hóa hay không, hay chỉ là một số mặt hàng nhất định, hoặc hạn chế xuất - nhập khẩu chặt hơn nữa.