Tìm cách loại Nga khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) được cho là bước leo thang cấm vận mới nhất của phương Tây nhằm vào Nga. Rạn nứt trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng trong bối cảnh xung đột ở miền Đông Ukraine lan rộng. Hôm 25/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đe dọa sẽ tiếp tục gây sức ép kinh tế đối với Nga thông qua những bước đi cấm vận ngặt nghèo hơn. Ông chủ Nhà Trắng không nêu cụ thể biện pháp mới, nhưng một quan chức cấp cao giấu tên trong Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, nhiều khả năng Mỹ sẽ loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT). “Đó sẽ là đòn đau đối với Nga. Những biện pháp kiểu vậy đã được thực thi chống Iran hồi năm 2012. Nhưng chúng tôi vẫn không biết liệu Liên minh châu Âu (EU) có đồng ý không. Ngay cả trường hợp EU từ chối, Mỹ sẽ vẫn hành động đơn phương”, nhân vật này nói.
Nga sẽ gặp khó khăn lớn trong giao dịch thương mại quốc tế nếu bị loại khỏi SWIFT. Ảnh: Pravda.ru |
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, EU cũng phát đi những tín hiệu tương tự. Tổ hợp truyền thông RT (Nga) ngày 27/1 đưa tin, kịch bản loại Nga khỏi SWIFT cùng với một danh sách các biện pháp cấm vận mới chống Moskva sẽ có trong nghị trình thảo luận của Ngoại trưởng EU bàn về khủng hoảng Ukraine vào ngày mai. Để thực thi các bước cấm vận mới, EU cần có sự đồng thuận của 28 nước thành viên.
Trong EU, Anh là nước đi đầu trong nỗ lực loại Nga khỏi hệ thống thanh toán này, với đề xuất được đưa ra vào tháng 8/2014. SWIFT sau đó có nói rằng tổ chức này chưa có kế hoạch loại bỏ Nga, vì “không có thẩm quyền đưa ra các quyết định cấm vận”. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy. Ngày 15/3/2012, SWIFT đã từng đưa ra một quyết định hiếm gặp: cấm 30 ngân hàng của Iran sử dụng dịch vụ của SWIFT. "Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ của SWIFT. Nó là xuất phát từ các hành động đa phương và mang tính quốc tế nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Iran", Lazaro Campos - Giám đốc điều hành của SWIFT phát biểu tại thời điểm đó.
Nga lớn tiếng phản đốiGiới phân tích nhận định, nếu bước đi mới này của Mỹ và các đồng minh phương Tây thành hiện thực, thì đó sẽ là một cú đánh mạnh vào nền kinh tế Nga vốn đang phải đối mặt với suy thoái. Moskva sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động giao thương quốc tế, thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ từ các đối tác nước ngoài. Chính việc bị loại khỏi hệ thống giao dịch tiền tệ quốc tế này sẽ gây ra nguy cơ đổ vỡ đối với hệ thống ngân hàng Nga.
Nga và Trung Quốc đang nỗ lực tạo lập một hệ thống thanh toán quốc tế mới. Ảnh: Cyplive |
Lường trước được các hệ quả tiêu cực có thể xảy ra, hồi tháng 12 vừa qua Ngân hàng Trung ương Nga đã
cho thiết lập hệ thống thanh toán liên ngân hàng cục bộ có thể
SWIFT có tên đầy đủ là Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế, được thành lập năm 1973, có trụ sở ở Bỉ. SWIFT giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên chuyển, thanh toán tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin thông qua mã giao dich được cấp riêng gọi là SWIFT code. Nó được xem là trung tâm kiểm soát luồng tiền của thế giới và có vai trò đặc biệt quan trọng trong thanh toán quốc tế. Trung bình SWIFT thực hiện khoảng 1,8 tỉ giao dịch/năm, với mức thanh toán đạt 6.000 tỉ USD/ngày. Tổ chức này hiện có hơn 10.000 thành viên là các ngân hàng, định chế tài chính của 210 nước. |
thay thế SWIFT, bảo đảm các giao dịch tài chính trong phạm vi nước Nga diễn ra thông suốt, an toàn. Moskva cũng đang gấp rút hoàn tất đàm phán với Bắc Kinh về việc lập hệ thống thanh toán bằng các đồng nội tệ, tránh phụ thuộc vào SWIFT. Nhưng giới phân tích tài chính nhận định, sẽ rất khó để Nga có thể làm quen với thực tế không cần đến SWIFT.
Với tính chất nghiêm trọng như vậy, việc Moskva lên tiếng cảnh báo Washington và Brussels là điều dễ hiểu. Ngày 27/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, “chúng ta cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Đương nhiên, nếu những quyết định như thế (loại Nga khỏi SWIFT) được đưa ra, thì tôi muốn lưu ý là phản kháng của chúng tôi sẽ không có giới hạn”.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) hồi tuần trước, Giám đốc điều hành Ngân hàng Ngoại thương Liên bang Nga (VTB), ông Andrei Kostin, cho rằng việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ làm cho quan hệ giữa phương Đông với phương Tây xấu đi nghiêm trọng. Ông này thậm chí còn cảnh báo nếu quyết định đó được thông qua, lập tức "ngay ngày hôm sau Đại sứ Mỹ tại Nga và Đại sứ Nga tại Mỹ sẽ buộc phải về nước. Mọi cơ hội đối thoại sẽ hoàn toàn bị đóng lại”.
Theo vị lãnh đạo VTB, hành động như vậy chẳng khác gì một lời tuyên chiến, đẩy các bên lâm vào một cuộc “chiến tranh lạnh” khác. Bình luận của ông Kostin mang nhiều ẩn ý từ Điện Kremlin, bởi tại Nga ông được cho là người thân cận với Tổng thống Putin ở "vị trí số 2".
Hoài Thanh (
Tổng hợp)