Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani trả lời phỏng vấn tại Doha ngày 8/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera, Ngoại trưởng al-Thani khẳng định Qatar sẵn sàng thảo luận về mọi yêu cầu, tuy nhiên nước này vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Ông nhấn mạnh đối thoại ngoại giao là một giải pháp để giải quyết căng thẳng, song điều này đòi hỏi "một nền tảng" vốn vẫn chưa đạt được.
Quan chức này cũng cho biết hiện Qatar vẫn đang tập trung giải quyết các vấn đề nhân đạo do hậu quả từ các biện pháp trừng phạt từ các quốc gia Arab láng giềng.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran đã kêu gọi các quốc gia Arab, vốn trước đó đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh.
Tại cuộc họp báo hàng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Bahram Ghasemi cho rằng các quốc gia vùng Vịnh trên nên thử nỗ lực giải quyết các khác biệt, cũng như bất đồng với Qatar trên bàn đàm phán "theo một tiến trình tích cực và toàn diện".
Quan chức này cũng cho rằng các bên liên quan nên thúc đẩy việc hướng đến hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Cũng trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, cũng trong ngày 12/6, Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nhà lãnh đạo này đang nỗ lực tăng cường can dự ngoại giao ở Trung Đông cũng như tham gia vào nỗ lực hòa giải mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Qatar và các quốc gia láng giềng.
Theo nguồn tin trên, trong tuần qua, Tổng thống Macron đã có một loạt cuộc trao đổi với Quốc vương Qatar, Quốc vương Saudi Arabia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Thái tử Abu Dhabi.
Nhà lãnh đạo Pháp đã kêu gọi giải quyết tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định khu vực cũng như lực lượng chung chống khủng bố. Dự kiến, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ có cuộc thảo luận với người đồng cấp Qatar trong ngày 12/6.
Hồi tuần trước, các nước láng giềng của Qatar gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập, đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha "hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực", bất chấp việc Qatar bác bỏ.
Ngay sau đó, để ủng hộ quyết định của các nước này, Yemen, chính phủ được quốc tế công nhận ở miền Đông Libya và Maldives cũng có động thái tương tự. Căng thẳng tiếp tục leo thang ngày 9/6 khi Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào "danh sách khủng bố".