Theo ông Jefferson, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng như dự kiến, Fed có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay. Dù vậy, ông vẫn cảnh báo tình trạng tiêu dùng quá mức có thể làm chậm tiến độ đáng kể mà Fed đạt được trong vấn đề lạm phát.
Số liệu được Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/2 cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 1/2024 đã tăng cao hơn mức dự báo, giữa lúc chi phí thuê nhà và chăm sóc sức khỏe tăng lên, song chiều hướng gia tăng lạm phát nhiều khả năng không thay đổi kỳ vọng cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024.
Trong tháng 1/2024, CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Theo ông Jefferson, số liệu CPI này cho thấy quá trình giảm lạm phát có thể sẽ gặp khó khăn. Ông cũng đề cập đến hai rủi ro khác là thị trường lao động suy yếu và nguy cơ rủi ro địa chính trị tăng cao. Ông Jefferson lưu ý xung đột ở Trung Đông có thể có tác động lớn hơn đến giá cả hàng hóa, như dầu mỏ và thị trường tài chính toàn cầu.
Sau khi tăng lãi suất lên 5,25 - 5,5%, Fed đang xem xét cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức Fed đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng và cho rằng khó có khả năng họ sẽ bắt đầu cuộc họp tiếp theo vào tháng Ba.
Theo biên bản cuộc họp ngày 30 - 31/1 vừa qua của Fed, phần lớn các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này lo ngại về những rủi ro của việc hạ lãi suất quá sớm, và nhìn chung Fed vẫn chưa chắc chắn về việc nên giữ lãi suất ở mức hiện tại trong bao lâu.
Báo cáo cho biết hầu hết những người tham gia cuộc họp đều lưu ý rủi ro của việc nới lỏng lập trường chính sách quá sớm, và chỉ có một vài người đề cập đến rủi ro đối với nền kinh tế nếu duy trì lập trường thắt chặt quá mức trong thời gian quá dài.