“Trước đây, chúng tôi đã có cuộc thảo luận về các hệ thống vũ khí hoặc chiến thuật khác được cho là khả năng kỳ diệu duy nhất có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột. Và tôi luôn nói rõ rằng chúng tôi không nhìn nhận vấn đề theo cách đó”, ông Miller lưu ý.
Ông Miller nói thêm rằng Washington đã xem xét tất cả các khả năng, chiến thuật và sự hỗ trợ mà Mỹ cung cấp cho Ukraine một cách tổng thể, xem xét cách thức ảnh hưởng đến toàn bộ chiến trường và toàn bộ chiến lược của Ukraine.
Tuyên bố của ông Miller được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky không nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ phía Mỹ liên quan đến cuộc xung đột với Nga trong chuyến thăm gần đây nhất tới Washington.
Không chỉ có vậy, theo tờ Wall Street Journal, “kế hoạch chiến thắng” của nhà lãnh đạo Ukraine cũng không gây ấn tượng với các quan chức Mỹ.
“Khi trình bày ‘kế hoạch chiến thắng’ tại Mỹ, ông Zelensky đã gặp phải sự thờ ơ từ các quan chức nước này”, tờ báo cho biết và nói rằng Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn dè chừng với những động thái được cho là sẽ dẫn đến leo thang xung đột với Moskva.
Dù đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Kiev, song Washington vẫn chưa chấp thuận yêu cầu của ông Zelensky về việc cho phép quân đội Ukraine tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do nước này cung cấp.
Tờ Wall Street Journal nhấn mạnh việc Kiev không đạt được thỏa thuận tăng cường viện trợ từ Mỹ có thể khiến quân đội nước này đối mặt với mối nguy lớn, đặc biệt khi các tuyến phòng thủ của Ukraine đang chịu áp lực lớn tại Donbass.
Nguồn tin nhận định nếu không có sự hỗ trợ quân sự lớn hơn, mục tiêu của Ukraine trong việc giành lại toàn bộ lãnh thổ có vẻ không thể trở thành hiện thực.
Vào tuần trước, theo một báo cáo của Bloomberg, các quan chức phương Tây không tin kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky sẽ tạo ra bước đột phá trong cuộc xung đột do thiếu các yếu tố bất ngờ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết kế hoạch của ông Zelensky không đưa ra giải pháp hữu ích nào cho những nước phương Tây ủng hộ Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga đồng nghĩa với việc NATO tuyên chiến với Moskva.
Trước đó, hôm 25/9, Tổng thống Putin đã công bố loạt đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ 3 điểm thay đổi chính trong học thuyết hạt nhân mới - bao gồm coi các “hành động xâm lược Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân”, là cuộc tấn công chung và từ đó kích hoạt phản ứng hạt nhân. Với quy định này, điều đó có nghĩa Nga có thể đáp trả bằng phản ứng hạt nhân nếu Ukraine dùng vũ khí tiên tiến do phương Tây cung cấp tấn công sâu bên trong nước Nga hoặc đồng minh thân cận Belarus.
Ngày 29/9, ông Peskov cho hay phiên bản cập nhật của học thuyết hạt nhân của Nga đã được hoàn thiện và đang trải qua các thủ tục cần thiết cuối cùng để trở thành luật. Ông nói rằng những thay đổi này là cần thiết do các cường quốc hạt nhân phương Tây ngày càng can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.