“Đây không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc. Chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh khi được hợp tác cùng Bắc Kinh trong vấn đề này. Hiện tại, chúng tôi mua rất nhiều khoáng sản từ các công ty Trung Quốc”, đài Sputnik (Nga) dẫn lời ông Fernandez nói.
Theo ông Fernandez, với vai trò quan trọng trong chế biến khoáng sản thô, Bắc Kinh vẫn sẽ là đối tác quan trọng của Mỹ, nhất là vì những loại khoáng sản này là thành phần quan trọng trong sản xuất pin cung cấp năng lượng cho xe điện (EV). Việc sử dụng rộng rãi xe điện là một phần trong chiến lược của Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông nhấn mạnh thế giới cần Trung Quốc chung tay để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Và các quốc gia sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu nếu không có sự tham gia của Trung Quốc.
Thứ trưởng Fernandez nhắc lại rằng Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là “đối tác thương mại lớn của Mỹ”. Ông cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, đồng thời theo đuổi lợi ích song phương và bảo vệ các doanh nghiệp.
Tuyên bố của ông Fernandez được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu 2 kim loại đất hiếm sang Mỹ - bao gồm gali và gecmani - được ứng dụng để chế tạo chip máy tính và pin năng lượng Mặt Trời cùng nhiều sản phẩm thiết yếu khác. Động thái này nhằm đáp trả nỗ lực của Washington nhằm loại Bắc Kinh ra khỏi cuộc đua kinh tế công nghệ cao.
Bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm xói mòn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến hàng hoá Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong nhập khẩu của Mỹ trong vòng 20 năm trở lại đây.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về các hạn chế thương mại của Washington trong việc kiểm soát xuất khẩu. Theo Bắc Kinh, điều này đã ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước và làm xói mòn cơ sở dư luận trong quan hệ song phương.