Hàng năm, Diễn đàn Trung Quốc của Đại học Harvard sẽ được tổ chức, thu hút hàng loạt các “ông trùm” trong lĩnh vực kinh doanh của hai nước Mỹ và Trung Quốc đến để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm. Ngồi dưới nghe là những sinh viên người Trung Quốc đang ở Mỹ du học. Nhiều trong số họ là con của các nhà tỷ phú Trung Quốc. Theo những người tham gia diễn đàn, đây là dịp để tầng lớp giàu có của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tụ họp hàng năm, thể hiện sức mạnh của sự giàu có trong việc thu hẹp những rạn nứt địa chính trị.
Tuy nhiên, những sự kiện như vậy bây giờ ngày càng hiếm hoi. Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng đến mức ngay cả những người giàu nhất thế giới đang tỏ ra rất nỗ lực gắn kết hai bên lại với nhau. Chỉ một số ít giám đốc điều hành từ Trung Quốc đại lục đích thân đến Diễn đàn Trung Quốc năm nay ở Havard. Đối với những sinh viên ưu tú có một vị thế nhất định tại các diễn đàn Trung Quốc trước đây, nhiều người lựa chọn trở về quê hương.
Một trong những người tham gia tổ chức diễn đàn Trung Quốc ở Mỹ là Zhang, con gái của người sáng lập một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc. Cô gái 25 tuổi, yêu cầu được giấu tên, cho biết từ thuở niên thiếu, cô đã tới Mỹ học cùng mẹ trong khi bố cô ở lại làm ăn tại Bắc Kinh. Tuổi thơ của Zhang trải qua hai nền văn hóa. Cô nói giọng Anh Mỹ và thông thạo tiếng Tây Ban Nha. Năm 2020, Zhang quyết định tạm dừng hành trình ở Mỹ.
“Có cảm giác như bạn phải chọn hoặc cam kết với một bên vào thời điểm này. Tôi chọn Trung Quốc vì nơi đây có nhiều thứ để cống hiến hơn”, Zhang chia sẻ.
Không hề đơn độc, Zhang là một phần trong xu hướng ngày càng gia tăng của thanh niên Trung Quốc muốn quay trở lại đại lục và tránh xa công việc ở nước ngoài. Trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng di cư lớn nhất thế giới của các triệu phú và dòng vốn chảy ra ngày càng tăng, căng thẳng địa chính trị đã khiến công dân Trung Quốc tại nước ngoài thay đổi tính toán.
Theo Mạng Thông tin An sinh Xã hội và Nhân sự, năm 2022, số sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài hồi hương đã tăng 8,6% so với một năm trước. Tỷ lệ người trở về so với số người đăng ký học tại các trường đại học ở nước ngoài đã tăng từ 23% vào đầu thế kỷ này lên 82% vào năm 2019, khi hơn 580.000 sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài hồi hương.
Sinh ra trong thời kỳ lao dốc của quan hệ Mỹ - Trung với xu hướng toàn cầu hóa ngày càng phát triển, thế hệ Z của Trung Quốc trưởng thành trong một thế giới theo chủ nghĩa bảo hộ đang thay đổi. Các nhà sản xuất đang chuyển hướng sản xuất ra khỏi Trung Quốc; Mỹ và các đồng minh hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn tiên tiến trong khi Bắc Kinh cũng có những lệnh cấm xuất khẩu kim loại hiếm. Sự tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm đảo lộn cuộc sống của những sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài. Họ vừa phải đối mặt với tình trạng bị từ chối đơn xin thị thực vừa phải cạnh tranh khốc liệt trong thị trường việc làm tại quê nhà.
Marshall Jen, cố vấn chính của công ty tư vấn kinh doanh G. Li & Co. Jen, cho biết: “Thế hệ Z hiểu được khó khăn khi ở Trung Quốc, nhưng họ cảm thấy sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu họ cố gắng phát triển hoạt động kinh doanh ở châu Á. Họ sẽ không muốn đến châu Âu hay Bắc Mỹ”.
Có rất nhiều cơ hội cho những người có mối quan hệ tốt ở Trung Quốc. Keyu Jin, tác giả cuốn The New China Playbook, chỉ ra: “Có sự thiếu hụt nhân tài rất lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chất bán dẫn, dược phẩm và các lĩnh vực dịch vụ kỹ năng cao khác. Sự khác biệt giữa những bạn trẻ học ở nước ngoài đối với những sinh viên trong nước có thể là nhiều kinh nghiệm thực tế hơn, nhạy bén hơn trong kinh doanh và có tầm nhìn toàn cầu hơn”.
Ren đã thay đổi ý định ở lại Australia sau đại dịch COVID-19. Khi chỉ có một vài sinh viên Trung Quốc đang học tại Đại học Macquarie ở ngoại ô Sydney, Ren cảm thấy cô đơn và bị tách biệt khỏi cuộc sống thành phố nhộn nhịp mà anh đã từng quen. Khi được hỏi đã làm gì trong thời gian ở Sydney, Ren cho biết mình chỉ ăn và chơi điện tử.
"Tôi đã nghĩ đến việc làm việc tại một trong những ngân hàng Australia, nhưng họ không tuyển dụng viên quốc tế. Trước đây, tôi mong muốn được làm việc ở môi trường phương Tây một thời gian nhưng thành thật mà nói, lối sống đó không phải là điều tôi muốn. Cuối cùng tôi chọn về nhà”, Ren chia sẻ.
Đối với Zhang, một sinh viên tốt nghiệp Harvard, cô đang làm cho một công ty công nghệ ở Bắc Kinh. Cuộc sống tại đây là một quá trình chuyển đổi khó khăn đối với giới trẻ được giáo dục ở phương Tây. Cô cho biết việc thích nghi với nơi làm việc ở Trung Quốc là một thách thức sau nhiều năm ở nước ngoài. Zhang nói rằng lúc đầu cô khá sốc vì thường không hiểu ẩn ý của đồng nghiệp khi nói bằng tiếng Trung. Zhang đã quen với phong cách nói chuyện thẳng thắn và trực tiếp hơn.
Tuy nhiên, Zhang không hề nghi ngờ quyết định của mình. Mối quan hệ của Zhang ở Trung Quốc cũng mở rộng phạm vi. Vào tháng 3, Zhang đã được tới Diễn đàn Doanh nhân Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Yabuli cùng với một trong những giám đốc điều hành hàng đầu của công ty để quảng bá sản phẩm.
Bằng cách chọn Trung Quốc, những người thuộc Thế hệ Z như Zhang đang kìm hãm làn sóng dòng tiền chảy ra nước ngoài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các ông trùm kinh tế Trung Quốc đang nắm giữ gần 1,1 nghìn tỷ USD tài sản tích lũy mà những người thừa kế có thể sẽ kiểm soát trong tương lai. Theo Jen, Giám đốc điều hành Trung tâm Kinh doanh Gia đình Trung Quốc, phần lớn những người thừa kế quan tâm đến việc kinh doanh ở Trung Quốc hoặc đầu tư thông qua các văn phòng gia đình ở Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), thay vì ở phương Tây.