.Tờ New York Times (Mỹ) cho biết 2 quốc gia Hồi giáo này sau nhiều năm thù địch đã khôi phục quan hệ ngoại giao vào tháng 3 năm nay, trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Nhưng vẫn chưa rõ liệu sự thay đổi này có dẫn đến giảm căng thẳng từ lâu giữa chế độ quân chủ Sunni tại Saudi Arabia và chính phủ Shiite của Iran hay không.
Tuy nhiên, việc Israel bắn phá Dải Gaza dường như đã đẩy nhanh quan hệ nồng ấm hơn giữa Saudi Arabia và Iran, hướng tới khả năng bình thường hóa quan hệ.
Chuyến thăm của Tổng thống Ebrahim Raisi đến Riyadh ghi nhận lần đầu tiên một tổng thống Iran tới Saudi Arabia trong hơn một thập niên. Thái tử Mohammed bin Salman đã đón Tổng thống Iran.
Hai nhà lãnh đạo còn điện đàm lần đầu tiên chỉ vài ngày sau sự kiện hôm 7/10. Xung đột Hamas-Israel bùng phát và ngày càng leo thang từ ngày 7/10 khi lực lượng Hamas bất ngờ xâm nhập, tấn công lãnh thổ Israel. Tel Aviv sau đó triển khai chiến dịch tấn công và phong tỏa Gaza khiến tình hình nhân đạo tại dải đất này xấu đi nhanh chóng.
Cơ quan Y tế tại Dải Gaza ngày 10/11 cho biết kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát cách đây hơn 1 tháng, số người Palestine thiệt mạng hiện đã tăng lên 11.078 người. Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel đã điều chỉnh số người thiệt mạng bên phía Israel do xung đột xuống 1.200 người từ thông báo 1.400 người trước đó.
Hội nghị thượng đỉnh ngày 11/11 tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) là cuộc họp chung khẩn cấp, bao gồm hai sự kiện - hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab (AL). Hội nghị chung này quy tụ các nhà lãnh đạo của các nước Arab và Hồi giáo, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan, Liban, Iraq, Qatar, Syria và Iran.
Các quốc gia tham gia hội nghị đã kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Israel và cho biết hòa bình khu vực không thể đạt được nếu không giải quyết được vấn đề Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Sau khi hai nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Iran kết thúc bài phát biểu, họ rời hội trường chính để tiến hành cuộc gặp song phương.
Giáo sư dự bị Kristin Diwan tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington, cho biết các cuộc tham vấn chặt chẽ của Saudi Arabia với Iran cho thấy Riyadh biết rằng sự hợp tác với Tehran là cần thiết để ngăn chặn xung đột lan rộng.