Sáng sớm ngày 4/7 theo giờ Việt Nam, quân đội Ai Cập đã đảo chính bằng cách phế truất Tổng thống Mohamed Morsi và đình chỉ Hiến pháp hiện hành. Ngay lập tức đụng độ đã nổ ra giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi, đe doạ đẩy Ai Cập vào vòng xoáy nguy hiểm đúng một năm sau khi ông Morsi lên nắm quyền.Người biểu tình chống Tổng thống Morsi vẫy cờ bên ngoài Dinh Tổng thống. Ảnh Internet.
|
Xuất hiện trên truyền hình cùng với giới lãnh đạo quân đội, tôn giáo và các nhân vật chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tuyên bố chỉ định Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adli Mansour làm lãnh đạo lâm thời của nước này.
Thẩm phán Mansour sinh ngày 23/12/1945 tốt nghiệp cử nhân luật năm 1967 tại Đại học Cairô và nhận bằng thạc sĩ luật sau đó 3 năm.
Tướng El-Sisi cũng kêu gọi tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội trước thời hạn, thành lập một ủy ban sửa đổi hiến pháp và ủy ban hòa giải dân tộc. Ông El-Sisi cho biết một chính phủ “mạnh và có năng lực” có thể được thành lập với “tư cách đầy đủ”.
Ngay lập tức, Tổng thống Morsi đã bác bỏ tuyên bố của quân đội, coi đây là hành động “bất hợp pháp”, đồng thời kêu gọi người dân Ai Cập chống lại cuộc đảo chính này một cách hòa bình.
Trước đó, ngày 1/7, quân đội Ai Cập đã ra tối hậu thư cảnh báo sẽ can thiệp và đề xuất "lộ trình" chính trị riêng cho đất nước nếu các lực lượng chính trị trong nước không "đáp ứng các yêu cầu của nhân dân" trong vòng 48 giờ, kết thúc vào lúc 16 giờ 30 phút giờ địa phương. Tối hậu thư của quân đội Ai Cập được đưa ra chỉ một ngày sau khi hàng triệu người trên khắp cả nước đổ xuống đường đòi ông Morsi từ chức, vào thời điểm đánh dấu một năm vị Tổng thống Hồi giáo được dân bầu này lên nắm quyền.
Xe tăng do quân đội triển khai trên đường phố Cairô ngày 3/7. |
Sau khi ông Morsi bị phế truất, những người ủng hộ và phản đối ông đã đụng độ tại thành phố Alexandria sau khi quân đội nước này tuyên bố phế truất ông Morsi. Các nhân chứng cho biết người biểu tình đã ném gạch đá và xuất hiện cả tiếng súng. Theo một quan chức an ninh, đã có bốn người ủng hộ ông Morsi thiệt mạng và khoảng 10 người bị thương khi đụng độ với quân đội và cảnh sát ở thành phố Marsa Matruh, miền Tây Ai Cập.
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA đưa tin đài truyền hình của tổ chức Anh em Hồi giáo nước này đã bị ngưng phát sóng và những người quản lý kênh này bị bắt giữ chỉ vài giờ sau khi lực lượng vũ trang lật đổ ông Morsi. Kênh Egypt25 này đã phát sóng trực tiếp cảnh các cuộc biểu tình của hàng vạn người ủng hộ ông Morsi tại thủ đô Cairô và trên khắp đất nước, cùng với những bài phát biểu của giới chính trị gia thuộc Anh em Hồi giáo, trong đó lên án quân đội can thiệp để lật đổ vị tổng thống được bầu này.
Ayman Ali - phụ tá của Tổng thống bị lật đổ của Ai Cập Mohammed Morsi, cho biết ông Morsi đã bị đưa đến một địa điểm bí mật.
Trong khi đó, hai quan chức Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey, giới lãnh đạo quân đội Ai Cập đã đảm bảo rằng họ không "hứng thú" với việc nắm quyền trong thời gian dài và cam kết sẽ nhanh chóng thành lập một chính phủ dân sự.
Phản ứng ban đầu của các nướcCác nước vùng Vịnh ngày 3/7 đã hoan nghênh việc quân đội Ai Cập lật đổ vị Tổng thống người Hồi giáo Morsi. Quốc vương Arập Xêút Abdullah đã gửi bức thông điệp chúc mừng tới ông Adli Mansour được bổ nhiệm làm lãnh đạo lâm thời của nước này. Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất UAE cũng hoan nghênh lực lượng vũ trang Ai Cập cũng như những thay đổi ở nơi đây.
Từ London, Ngoại trưởng Anh William Hague đã hối thúc các bên kiềm chế, tránh bạo lực. Ông lên tiếng phản đối việc can thiệp quân sự nhằm thay đổi chế độ, song không gọi vụ việc ở Cairô là đảo chính. Trong khi đó, Tổng thống Xyri Bashar al-Assad cùng ngày đã ca ngợi những cuộc biểu tình phản đối nhà lãnh đạo của họ, nói rằng việc ông Morsi bị quân đội lật đổ cho thấy dấu chấm hết của "Hồi giáo chính trị".
Trong khi đó, Mỹ từ chối phê phán quân đội Ai Cập, ngay cả khi lực lượng này chuẩn bị lật đổ ông Morsi. Vài phút trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel-Fattah al-Sissi thông báo phế truất ông Morsi và đình chỉ Hiến pháp, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn lên tiếng phê phán nhà lãnh đạo này, song không tỏ dấu hiệu phản đối hành động của phía quân đội. Sự im lặng của Mỹ, ít nhất cho tới lúc này, về các vụ việc ở Cairô cho thấy Oasinhtơn có thể sẵn sàng chấp nhận hành động của quân đội như một cách để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã làm tê liệt Ai Cập, một đồng minh lâu đời của Mỹ.
Trong bối cảnh an ninh không được đảm bảo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với nhân viên Đại sứ quán nước này ở Cairô. Một khuyến cáo nêu rõ: "Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị cho các nhân viên Chính phủ Mỹ không làm các công việc khẩn cấp cùng thân nhân gia đình rời khỏi Ai Cập do tình trạng bất ổn chính trị và xã hội hiện nay... Bộ Ngoại giao khuyến cáo mọi công dân Mỹ hoãn đi tới Ai Cập và công dân Mỹ đang sống ở Ai Cập nên rời đi lúc này do bất ổn chính trị và xã hội còn tiếp diễn".
Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập, từng nhiều lần bị người biểu tình tấn công, đã bị đóng cửa trong ngày 3/7 như một biện pháp phòng ngừa. Do ngày 4/7 là Ngày Quốc khánh Mỹ và cũng là dịp nghỉ cuối tuần của người Arập nên Đại sứ quán Mỹ sẽ đóng cửa cho tới ít nhất là vào ngày 7/7 tới.
TTXVN/Tin Tức