Giao tranh giữa các lực lượng của Azerbaijan và Armernia tại Nagorno-Karabakh chưa có dấu hiệu lắng dịu. Hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau, công bố các đoạn video mô tả thiệt hại của đối phương về máy bay quân sự, thiết bị bay không người lái, xe tăng, xe thiết giáp.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 30/9 cho biết lực lượng của nước này đã tiêu diệt một hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Armenia được bố trí ở Nagorno-Karabakh. Chính quyền Baku cũng nói rằng ít nhất 2.700 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các vụ đụng độ vừa qua. Trước đó, Azerbaijan cho biết đã tiêu diệt một trung đoàn của Armenia.
Trong khi đó, Chính quyền Yerevan phủ nhận con số mà phía Azerbaijan đưa ra và gọi đó là “tin giả”. Lực lượng quân sự của chính quyền Nagorno-Karabakh tự xưng cho biết 80 binh sĩ thiệt mạng trong đụng độ với phía Azerbaijan.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục có các nỗ lực ngoại giao nhằm xuống thang xung đột. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/9 (giờ New York) ra tuyên bố nhận được đồng thuần của 15 nước ủy viên, kêu gọi các lực lượng Armenia và Azerbaijan "lập tức ngừng giao tranh" tại khu vực Nagorny- Karabakh, khẳng định ủng hộ tuyệt đối vai trò của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk (gồm Mỹ, Nga và Pháp) thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) trong nỗ lực làm trung gian hòa giải.
Tuy nhiên, Armenia và Azerbaijan đều chưa cho thấy thiện chí sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Phát biểu tại cuộc họp báo với truyền thông Nga ngày 30/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết chính quyền Yerevan đang xem xét kế hoạch công nhận độc lập đối với Nagorno-Karabakh. Ông cũng khẳng định Armenia không chấp nhận ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại Nagorno-Karabakh vì “Armenia đủ sức bảo đảm an ninh cho mình”.