Quân đội Nam Sudan kiểm soát thành phố chiến lược

Quân đội Nam Sudan ngày 10/1 cho biết đã giành quyền kiểm soát thành phố Bentiu, thủ phủ bang Unity chiến lược ở miền bắc nước này.

Tuần hành hòa bình tại Nam Sudan yêu cầu chấm dứt xung đột và giải quyết bất đồng giữa chính phủ và lực lượng đối lập Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo người phát ngôn Philip Aguer, Lực lượng Giải phóng nhân dân Sudan (SPLA) - tức quân đội Nam Sudan - đã giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực khai thác dầu mỏ chiến lược của nước này ở miền bắc từ nhóm phiến quân ủng hộ cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Ông Aguer cho biết lực lượng chính phủ đang nỗ lực giành lại thủ phủ Bor của bang Jonglei, cách thủ đô Juba 200 km về phía bắc, nơi cũng đang nằm trong tầm kiểm soát của quân nổi dậy.

Cùng ngày, cựu Phó Tổng thống Machar xác nhận lực lượng này đã rút khỏi Bantiu và nhấn mạnh sẽ tiếp tục các hoạt động chống đối. Tuy nhiên, ông khẳng định phe đối lập sẽ tiếp tục tham gia các cuộc hòa đàm tại Ethiopia.

Thành phố Bantiu có vai trò chiến lược trong hoạt động khai thác dầu mỏ của Nam Sudan. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột nổ ra, các hoạt động dầu mỏ tại bang Unity đã giảm 20%, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập chính của quốc gia non trẻ này.

Ngày 10/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã kêu gọi các bên liên quan tại Nam Sudan tham gia đàm phán hòa bình, chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu gần một tháng qua ở nước này. Trong một tuyên bố, các ủy viên HĐBA yêu cầu Tổng thống Salva Kiir, cựu Phó Tổng thống Riek Machar và các quan chức nước này "chấm dứt ngay lập tức các hoạt động thù địch và tham gia đối thoại hòa bình".

HĐBA hối thúc thủ lĩnh đối lập Riek Machar dừng ngay các hoạt động chống đối mà không đưa ra điều kiện tiên quyết nào, đồng thời yêu cầu chính quyền Tổng thống Salva Kiir trả tự do cho 11 người ủng hộ ông Machar nhằm tạo điều kiện cho đối thoại, chấm dứt tình trạng bạo lực gây thương vong cho dân thường, cản trở công tác cứu trợ nhân đạo cũng như phá hoại cơ sở hạ tầng sản xuất. Ngoài ra, tuyên bố cũng nhấn mạnh không nên có sự can thiệp từ bên ngoài để tránh làm gia tăng căng thẳng chính trị và quân sự tại Nam Sudan.


Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Nam Sudan không chấm dứt được cuộc khủng hoảng có nguy cơ đẩy nước này tới bờ vực của một cuộc nội chiến. Mặc dù chưa có quyết định chính thức, nhưng chủ trương của Mỹ sẽ không áp đặt các biện pháp gây tổn hại về kinh tế cho Nam Sudan mà các đòn trừng phạt, nếu được áp đặt, sẽ chỉ nhằm vào những thực thể, các công ty hoặc những cá nhân mà Mỹ xác định là ngăn cản nỗ lực hòa bình hoặc kích động làn sóng bạo lực tại Nam Sudan.

Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ ngày 15/12 vừa qua sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sĩ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Xung đột nhanh chóng lan rộng tới 10 bang của Nam Sudan, chia rẽ bộ lạc Dinka ủng hộ Tổng thống Salva Kirr và bộ lạc Nuer ủng hộ ông Riek Machar. Theo ước tính của LHQ, số người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Nam Sudan cao hơn nhiều so với con số 1.000 người đưa ra trước đó.


TTXVN/Tin tức

Chính phủ Nam Sudan và phiến quân hoãn đối thoại trực tiếp
Chính phủ Nam Sudan và phiến quân hoãn đối thoại trực tiếp

Ngày 4/1, phái đoàn của chính phủ Nam Sudan và phe nổi dậy cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên tham chiến đã bị hoãn lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN