Với sự yểm trợ của không quân Nga, lực lượng chính phủ Syria đã phong tỏa thị trấn Rabia, giành lại 20 ngôi làng. |
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết với sự yểm trợ của không quân Nga, trong 48 giờ qua, lực lượng chính phủ đã phong tỏa thị trấn từ ba phía Tây, Nam và Bắc, giành lại 20 ngôi làng. Theo SOHR, với việc giải phóng Rabia, quân đội chính phủ đang gần tiến tới cắt đứt tuyến tiếp tế của phiến quân qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang phía Bắc Latakia.
Việc giành lại Rabia là một đòn giáng mạnh thứ hai vào các nhóm phiến quân. Trước đó, ngày 12/1, quân đội cũng giành lại thị trấn chiến lược Salma bị rơi vào tay phiến quân từ năm 2012. Cả Salma và Rabia đều là hai thành trì chủ chốt của các nhóm phiến quân ở phía Bắc Latakia, gần khu vực Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau chiến thắng ở Rabia, quân đội Syria sẽ tiếp tục tiến tới giải phóng thị trấn Kinsabah, sau đó sẽ tiến công vào khu vực phía Tây của tỉnh Tây Bắc Idlib - một vị trí khác của nhiều nhóm thánh chiến, trong đó có Mặt trận Al-Nusra liên hệ với nhóm khủng bố al-Qaeda.
* Mỹ- Nga gần thỏa hiệp về vấn đề Syria
Ngày 24/1, hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết cả Nga và Mỹ đều sẵn sàng có động thái nhượng bộ về nhiều vấn đề trong các cuộc đàm phán sắp tới nhằm tháo gỡ tình hình ở Syria.
Theo nguồn tin trên, Moskva có khả năng sẽ tham dự các cuộc đàm phán của nhóm cực đoan Jaish al-Islam (Quân đội Hồi giáo), lực lượng được Saudi Arabia hậu thuẫn.
Trong khi đó, Washington có thể sẽ cho phép các nhân vật thân cận với Moskva xuất hiện tại Geneva (Thụy Sĩ), cụ thể là cựu Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil, đại diện tổ chức đối lập Mặt trận Bình dân vì sự thay đổi và giải phóng và lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (KDUP) Salih Muslim.
Nga và Iran, vốn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bất đồng với Saudi Arabia, các nước Arập khác cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc nhóm đối lập nào ở Syria bị coi là khủng bố và không được phép tham gia tiến trình đám phán chuyển giao chính trị kéo dài 18 tháng. Hiện các nhóm Ahrar-as-Sham và Jaish al-Islam bị Nga và Syria coi là khủng bố, nhưng Saudi Arabia, Mỹ và một số nước khác coi là các nhóm đối lập hợp pháp. Một số lực lượng đối lập tuyên bố sẽ không ủng hộ giải pháp cho Syria nếu bị loại khỏi tiến trình đàm phán. Vòng đàm phán đa phương về vấn đề Syria, dự kiến sẽ diễn ra tại Geneva vào ngày 25/1 tới.