Theo đài RT (Nga), khi được hỏi về lập trường của Áo về nguyện vọng gia nhập khối quân sự của Thụy Điển và Phần Lan, Bộ trưởng Schallenberg cho biết ông hoàn toàn tôn trọng các quyết định của Helsinki và Stockholm, nhưng nhấn mạnh đó “là quyết định của họ chứ không phải của chúng tôi”. Ông khẳng định: “Áo sẽ tiếp tục là một quốc gia trung lập”.
Tuy nhiên, ông mô tả động thái của Thụy Điển và Phần Lan là một “tín hiệu mạnh mẽ” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho thấy rằng các chính sách của Moskva là hoàn toàn sai lầm. “Ông Putin đã khiến NATO trở nên ngày càng quan trọng hơn và buộc hai nước này gia nhập NATO,” Bộ trưởng Áo nói, đồng thời cho biết thêm rằng chiến lược an ninh của Tổng thống Nga “đã làm thất bại kế hoạch của chính ông ấy”.
Trong quyết định mang tính lịch sử, vào hôm 15/5, Stockholm và Helsinki đã chính thức tuyên bố sẽ gia nhập khối NATO, từ bỏ quy chế trung lập hàng thập kỷ. Moskva đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này. Nga cũng cho biết họ coi sự mở rộng của NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của đất nước.
Tổng thống Putin tuyên bố Moskva “không có vấn đề gì” khi một trong hai quốc gia này gia nhập NATO, nhưng coi việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của liên minh này là một mối đe dọa.
Trong khi đó, ông Schallenberg kêu gọi EU cần duy trì đoàn kết khi đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Áo cũng thừa nhận rằng các thành viên EU chưa có quan điểm rõ ràng về đợt trừng phạt tiếp theo, nhưng cho biết EU “ đến nay đã cố gắng thể hiện một hình ảnh đoàn kết đáng kinh ngạc và nên tìm cách duy trì điều này”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Áo cũng thúc giục Brussels chống lại ảnh hưởng của Nga ở vùng Balkan khi ông cảnh báo về khả năng Moskva sẽ gây mất ổn định khu vực.
“Nhiệm vụ địa chiến lược quan trọng nhất của chúng ta là ưu tiên đảm bảo mô hình giá trị và cuộc sống của người dân châu Âu,” ông nói và cho biết thêm rằng mô hình giá trị của EU có thể là “không có khoảng trống trong chính trị”.
Phát biểu của ông Alexander Schallenberg được đưa ra trước cuộc họp của các ngoại trưởng EU. Cuộc họp cũng có sự tham dự của Ngoại trưởng Canada Melanie Joly và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Các bộ trưởng dự kiến thảo luận về hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và phản ứng của họ đối với các hành động của Moskva, cũng như vòng trừng phạt mới.
Khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức tuyến bố ý định gia nhập NATO, giới chuyên gia cho rằng danh sách các quốc gia trung lập hoặc không liên kết ở châu Âu có thể sẽ thu hẹp lại. Những lo ngại an ninh liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thay đổi tính toán của Stockholm và Helsinki, đồng thời cũng khiến các nước có truyền thống “trung lập” khác phải cân nhắc lại khái niệm này thực sự có ý nghĩa như thế nào với chính họ.
Tại châu Âu, một số quốc gia đã đưa “tính trung lập” vào luật pháp hoặc thường tự coi mình là trung lập. Các quốc gia này bao gồm Thụy Sĩ, Ireland, Malta và Cộng hòa Cyprus. Trong đó, Thụy Sĩ là quốc gia trung lập nổi tiếng nhất trong khu vực. Tính trung lập của Thụy Sĩ được quy định trong hiến pháp và từ hàng chục năm trước, các cử tri Thụy Sĩ đã quyết định nước này đứng ngoài EU.