Khi cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục kéo dài, Tổng thống Serbia tuyên bố rằng ông đã đạt được một thỏa thuận khí đốt tự nhiên “cực kỳ thuận lợi” với Moskva sau cuộc điện đàm hôm 29/5 với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo ông Vucic, Serbia sẽ tiếp tục nhận khí đốt của Nga theo công thức có lợi hiện tại, được tính dựa trên giá dầu trên thị trường toàn cầu. Điều này có nghĩa là cho đến nay Serbia sẽ có giá khí đốt tốt nhất ở châu Âu.
"Cuộc nói chuyện rất tốt về một số chủ đề, trong đó quan trọng nhất là quan hệ song phương của chúng tôi và thỏa thuận khí đốt. Chúng tôi sẽ ký hợp đồng ba năm và chúng tôi sẽ thảo luận về lượng khí đốt. Serbia cần một lượng lớn khí đốt và chúng tôi sẽ có một mùa Đông ấm áp, an toàn, trong khi giá khí đốt sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán tiếp theo”, ông Vučić nói.
Tổng thống Serbia cho biết mức giá mà Serbia sẽ trả cho Gazprom của Nga để mua khí đốt tự nhiên hiện bằng một phần ba mức giá mà các nước châu Âu khác phải trả. Ông cho biết thêm, giá có thể giảm xuống vào mùa Đông, dự kiến dao động trong khoảng 340-350 USD/1.000 mét khối.
Theo ông Vucic, mức giá đã thỏa thuận áp dụng cho 2,2 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm và Serbia cần 800 triệu mét khối nữa. Serbia đang đàm phán một thỏa thuận khí đốt tự nhiên mới với Gazprom do thỏa thuận kéo dài 6 tháng được ký vào tháng 11/2021 sẽ hết hạn vào ngày 31/5. Khí đốt tự nhiên của Nga hiện có giá 270 USD/1.000 mét khối cho Serbia.
Gazprom là chủ sở hữu phần lớn của Ngành công nghiệp dầu mỏ của Serbia, trực tiếp hoặc thông qua các công ty con. Đây cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên duy nhất ở Serbia và là chủ sở hữu phần lớn của cả hai đường ống cung cấp khí đốt của Nga đến Serbia.
Điện Kremlin xác nhận rằng hai nhà lãnh đạo Nga và Serbia đã đồng ý về việc Moskva tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho Serbia. Tại cuộc điện đàm, hai bên cũng đã trao đổi về một số chủ đề, bao gồm tình hình Ukraine và các sự kiện liên quan đến Kosovo.
Hai bên cũng “tái khẳng định quan điểm chung” nhằm củng cố nhất quán quan hệ đối tác chiến lược dựa trên mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa hai quốc gia, Điện Kremlin cho biết trong một thông cáo báo chí.
Thỏa thuận mới có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Belgrade vào đầu tháng 6 tới - chuyến thăm hiếm hoi của một quan chức cấp cao của Nga tới một quốc gia châu Âu kể từ khi xung đột nổ vào ngày 24/2.
Serbia nhập khẩu 81% khí đốt, 18% dầu mỏ và các dẫn xuất từ dầu mỏ của Nga. Theo các chuyên gia, lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ hàng năm của Serbia là khoảng 3 tỷ mét khối, 49% trong số đó được sử dụng cho các nhà máy sưởi ấm và các nhà máy điện, trong khi 26% được tiêu thụ cho ngành công nghiệp.
Trong khi đó, các hộ gia đình ở Serbia tiêu thụ khoảng 13% tổng lượng khí đốt, các trung tâm mua sắm và các cơ sở kinh doanh khác sử dụng khoảng 10%. Ngược lại, ngành nông nghiệp và vận tải chỉ tiêu thụ 2%.
Khi xung đột nổ ra, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã từ chối phản ứng về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và Serbia không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva. Tổng thống Vucic tuyên bố rằng ông muốn Serbia gia nhập EU nhưng vẫn tiếp tục củng cố mối quan hệ với Nga.
Bất chấp áp lực từ phương Tây, ông Vucic và các nhà lãnh đạo Serbia khác đã phàn nàn về các trừng phạt của họ nhằm vào Nga. Các quan chức Serbia cho rằng nước này phải chống lại sức ép như vậy, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ mục tiêu gia nhập EU.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Nga và Serbia không ngừng được cải thiện. Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Serbia muốn tham gia hợp tác với Moskva thay vì EU.
“Thỏa thuận mà Tổng thống Vucic đạt được với Tổng thống Putin là bằng chứng cho thấy quyết định không tham gia vào các hoạt động trừng phạt chống Nga được tôn trọng như thế nào”, Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin, cho biết, lưu ý rằng nước này đã "đưa ra quyết định có lợi cho Serbia và không chấp nhận mệnh lệnh” từ phương Tây.