Nhà báo Mỹ Glenn Greenwald, người đã cho đăng tải những thông tin đầu tiên về chương trình do thám toàn cầu của Washington do cựu nhân viên CIA Edward Snowden cung cấp, cho biết quốc gia mà cấp quy chế tị nạn cho Snowden sẽ nhận được những thông tin ưu ái về thương mại và công nghiệp mà nhân vật này đang có.
Nhà báo Greenwald tại cuộc điều trần tại Quốc hội Brazil (ảnh: Agencia Brasil) |
Phát biểu ngày 6/8 tại phiên họp chung của các ủy ban đối ngoại của hai viện Quốc hội Brazil mà ông được mời để nói về hoạt động gián điệp của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), ông Greenwald nêu rõ lý do duy nhất mà Mỹ đưa ra để do thám là chống khủng bố và bảo vệ người dân, thế nhưng trên thực tế nhiều tài liệu mà NSA thu thập không liên quan gì tới khủng bố và an ninh quốc gia, mà là để giành ưu thế trong cạnh tranh với các nước khác, trong các lĩnh vực thương mại và công nghiệp.
Nhà báo này xác nhận đã nhận được từ 15.000 đến 20.000 tài liệu “rất đầy đủ và rất dài” từ Snowden. Theo ông, sở dĩ lượng tài liệu mật lớn như vậy là vì nếu bạn là người Mỹ và sống ở Mỹ thì NSA phải được phép của ngành tư pháp mới được do thám, thế nhưng nếu không phải là người Mỹ thì NSA không cần xin phép bất kỳ ai.
Ông cũng cho hay những bài viết mà ông cho đăng mới đây chỉ tiết lộ một phần rất nhỏ những hoạt động gián điệp của chính phủ Mỹ và ông sẽ công bố thêm những tài liệu đó, trong đó lật tẩy cách thức mà Mỹ do thám thông tin liên lạc tại Brazil và Mỹ Latinh nói chung.
Nhà báo đang định cư tại Brazil này khẳng định có những tài liệu cho thấy một tập đoàn viễn thông của Mỹ đã cung cấp thông tin tại Mỹ Latinh cho NSA. Trong trường hợp của Brazil, tập đoàn này đã dựa vào các hợp đồng với các hãng viễn thông để xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp này.
Ông Greenwald nói các hệ thống do thám mà NSA sử dụng “mạnh mẽ” hơn rất nhiều những gì người ta tưởng tượng và khiến phải “phát hoảng”. Chính phủ Mỹ không chỉ theo dõi những siêu dữ liệu (metadata) mà cả những nội dung cụ thể viết trong thư điện tử, hoặc nội dung các cuộc gọi điện thoại.
“Nếu bạn là một nhà báo đang viết bài điều tra chống lại Mỹ, hoặc làm việc tại một công ty cạnh tranh mạnh với một doanh nghiệp của Mỹ, NSA có thể do thám các cuộc liên lạc của bạn một cách rất dễ dàng”, ông cho biết.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Venezuela, Elías Jaua, thông báo lời mời Snowden tị nạn tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn còn giá trị, đồng thời tố cáo đề nghị của Mỹ dẫn độ Snowden trong trường hợp nhân vật này tị nạn tại Venezuela là “trơ trẽn” vì Washington cho trùm khủng bố Luis Posada Carriles tị nạn bất chấp yêu cầu dẫn độ của Caracas.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)