Trong cuộc phỏng vấn với tờ Suddeutsche Zeitung của Đức hôm 23/3, ông Pavel nói:“Chúng tôi không chỉ viện trợ những gì có thể từ nguồn dự trữ của đất nước, mà còn mua linh kiện ở nước ngoài để gửi cho Ukraine. Cộng hòa Séc vẫn có khả năng sản xuất một số hệ thống phòng không và đạn dược mà Ukraine cần, nhưng bị hạn chế do thiếu lực lượng lao động”.
Ông cho biết Séc là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu. Có rất ít người lao động đến đây. Nhưng ông Pavel giải thích vẫn còn cơ hội thông qua việc đưa người lao động từ Ukraine đến đất nước này.
Ông cũng nhận định năm nay sẽ là năm “quyết định” đối với kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Séc, từng là Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO từ năm 2015 đến 2018, cảnh báo rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev “sẽ giảm dần theo thời gian” do xung đột kéo dài khiến nhiều quốc gia mệt mỏi.
“Một mình châu Âu gần như không thể duy trì mức hỗ trợ như hiện tại cho Ukraine. Nếu hỗ trợ của Mỹ suy yếu, thì một số quốc gia châu Âu cũng vậy,” ông nói và cho rằng Ukraine phải tính đến vấn đề này khi lên kế hoạch cho các bước tiếp theo trên chiến trường, vì năm sau, Kiev có thể sẽ không thể bắt đầu bất kỳ chiến dịch quy mô lớn và công phu nào.
Theo Bộ Quốc phòng Séc, nước này đã cung cấp cho Kiev lô vũ khí trị giá 2,5 tỷ USD trong cuộc xung đột với Nga. Praha không tiết lộ các loại vũ khí được cung cấp do lo ngại vấn đề an ninh và chiến thuật.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần chỉ trích việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine từ phương Tây, cho rằng chúng chỉ làm leo thang và kéo dài chiến sự mà không thay đổi được kết quả cuối cùng.
Theo Moskva, việc vận chuyển vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện binh sĩ Ukraine đã phần nào khiến các quốc gia phương Tây tham gia trực tiếp vào xung đột.