Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Luật IKN sửa đổi quy định rằng chính quyền Nusantara có thể quản lý ngân sách cũng như quỹ đất thương mại trong thành phố. Điều luật này cũng cho phép chính quyền Nusantara tìm kiếm nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư tư nhân để phát triển thành phố thủ đô mới. Điều này xuất phát từ luật mới quy định rằng người đứng đầu chính quyền thủ đô Nusantara là một chức vụ được bổ nhiệm chứ không phải là người được bầu, ngang bằng với các bộ trưởng nội các hoặc người đứng đầu các khu vực tự trị cấp tỉnh được bầu.
Người đứng đầu Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) Suharso Monoarfa cho biết một trong những điều khoản quan trọng của luật sửa đổi là cho phép các nhà đầu tư sở hữu giấy chứng nhận đất đai với thời hạn lên tới 190 năm được chia thành 2 giai đoạn hoặc chu kỳ kéo dài 95 năm.
Quốc hội Indonesia đã thông qua Luật IKN vào tháng 1/2022 và bắt đầu xem xét sửa đổi luật này chỉ 1 năm sau đó. Tổng thống Joko Widodo lần đầu công bố kế hoạch di dời thủ đô vào năm 2019, song tiến độ của đại dự án này đã bị trì hoãn do sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Với tổng diện tích 256.000 ha trải dài tại 2 huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan, IKN Nusantara sẽ tiếp quản vị trí trung tâm hành chính quốc gia và giảm bớt một số áp lực từ Jakarta - nơi vẫn được duy trì là trung tâm kinh tế của cả nước.
Với tổng chi phí ước tính lên tới 466.000 tỷ Rupiah (30 tỷ USD) và sau tiến độ của dự án bị trì hoãn do đại dịch COVID-19, một số nhà đầu tư bày tỏ lo ngại rằng quá trình phát triển IKN Nusantara trên đảo Borneo có thể mất đà sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Joko Widodo kết thúc vào năm tới.