Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, phiên họp này được tổ chức theo lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập Tzipi Livni sau khi thu thập đủ chữ ký của 25 nghị sĩ. Phát biểu tại phiên họp, bà Livni kêu gọi bầu cử sớm và thay thế luật quốc gia dân tộc gây chia rẽ bằng Tuyên bố độc lập của Israel, trong đó cam kết “đảm bảo bình đẳng xã hội và quyền chính trị cho toàn bộ người dân không kể tôn giáo, sắc tộc và giới tính”.
Trước đó, sau nhiều tháng tranh cãi, ngày 19/7, Quốc hội Israel đã thông qua Luật Quốc gia dân tộc Do Thái. Đạo luật này quy định rằng "Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và họ có quyền tự quyết định vận mệnh quốc gia của nước này". Luật cũng cấm sử dụng tiếng Arab như là một ngôn ngữ chính thức song song với tiếng Hebreu (Do Thái cổ) và cấp cho ngôn ngữ này "quy chế đặc biệt" để được phép tiếp tục sử dụng trong các tổ chức Israel. Một điều khoản khác gây tranh cãi là việc khuyến khích phát triển các khu định cư người Do Thái và coi đó là vì lợi ích quốc gia của Israel.
Người Israel gốc Arab, chiếm khoảng 17,5% trong tổng số hơn 8 triệu người Israel, kịch liệt phản đối đạo luật này, theo đó chỉ người Do Thái mới có quyền quyết định vận mệnh của đất nước Israel. Cũng giống với các cộng đồng thiểu số khác, người Druze hết sức bất bình với đạo luật trên vì họ cho rằng luật này gạt các nhóm sắc tộc không phải Do Thái ra ngoài rìa, coi họ là công dân hạng hai.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tiến hành hàng loạt cuộc gặp với giới lãnh đạo của cộng đồng Druze để giải quyết tình hình, song các cuộc tiếp xúc giữa hai bên vẫn không giúp xoa dịu sự bất bình của người Druze, thậm chí một số sĩ quan quân đội người Druze còn từ bỏ quân ngũ để phản đối. Cộng đồng Druze tại Israel gồm khoảng 130.000 người, chiếm chưa đến 2% dân số Israel. Tuy nhiên, khác với các cộng đồng nói tiếng Arab khác ở Israel, người Druze bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia quân đội hoặc cảnh sát, cùng với người Do Thái.